Bộ Công Thương khẳng định, chắc chắn ủng hộ việc tiếp tục di dời các nhà máy ra khỏi các vùng dân cư. Quan điểm là không lấy kinh tế đánh đổi môi trường.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra chiều nay (1/8), trả lời câu hỏi về việc gây ô nhiễm của Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định nhất quán chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
“Chúng ta không thể đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Tuy nhiên với các bước đi như thế nào, lộ trình ra sao thì phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Trước đây, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân có trụ sở chính tại phố Nguyễn Công Trứ, Hoà Mã và đã phải chuyển một lần. Hiện giờ chuyển về địa điểm thuộc phường Vĩnh Tuy và Minh Khai. Theo Thứ trưởng Hải, cách đây gần 10 năm thì chưa thấy có sự việc gì, nhưng gần đây, khi yêu cầu cuộc sống, dân trí và môi trường đã khác trước, người dân ở hai phường đã có phản ánh đến các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan quản lý về môi trường, các cơ quan chính quyền các cấp, của TP. Hà Nội.
“Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi khẳng định, chắc chắn chúng tôi ủng hộ việc tiếp tục di dời các nhà máy ra khỏi các vùng dân cư. Quan điểm là không lấy kinh tế đánh đổi môi trường”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Có thể bạn quan tâm
05:06, 22/06/2018
01:04, 21/05/2018
15:32, 15/05/2018
17:35, 22/04/2018
10:14, 26/12/2017
23:18, 14/02/2017
08:29, 04/12/2016
16:58, 01/04/2016
16:35, 12/08/2015
Đại diện Bộ Công Thương cũng cung cấp thêm thông tin, với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân chỉ là một thành viên, hiện nay Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã cổ phần hoá và Nhà nước hiện chỉ chiếm 53% và sắp tới trong kế hoạch của năm 2018 chỉ còn nắm rất ít. Các doanh nghiệp đều phải tuân thủ quy định của pháp luật, trong đó có quy định về môi trường và các quy định khác hiện hành.
Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo Hội đồng quản trị, Ban điều hành của Tập đoàn Dệt May Việt Nam có ý kiến với Công ty Dệt kim Đông Xuân tuân thủ các quy định của pháp luật và quan trọng nhất là bảo vệ được môi trường.
“Đặc biệt là phải phù hợp với điều kiện thực tiễn bởi nhà máy này có số lượng công nhân rất lớn và hiện nay đang hoạt động hiệu quả, mang lại hiệu quả trước hết là cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam và qua đó góp phần vào sự phát triển của kinh tế đất nước, đảm bảo công ăn việc làm cho rất nhiều công nhân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ kiên quyết và nhắc nhở để doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, theo người dân phản ánh, Công ty TNHH Dệt kim Đông Xuân (524 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) nằm trong khu dân cư đông đúc, hàng ngày vẫn ngang nhiên xả khói thải màu trắng và màu vàng đục mù mịt cả một vùng gây ô nhiễm môi trường khiến cho các hộ dân xung quanh đều ngửi thấy mùi khét, thậm chí có lúc cảm thấy khó thở.
Thông tin với báo chí, ông Trần Nam Sơn – Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cho biết, UBND phường thường xuyên nhận được phản ánh của người dân tố cáo nhà máy Dệt kim Đông Xuân xả thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở tổ dân phố 15A và một vài tổ sinh sống trong khu đô thị Vinhomes Times City.
Được biết, tháng 5/2018, UBND phường đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) quận Hai Bà Trưng, Trung tâm quan trắc của Sở TNMT TP. Hà Nội kiểm tra đột xuất và lấy mẫu vào một số thời điểm trong ngày.
Theo đó, kết quả về bụi, tiếng ồn đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy định của Nhà nước nên không xử lý được. Tuy nhiên, sau khi thông báo kết quả này, phường vẫn tiếp tục nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm do nhà máy xả thải.
Theo ông Sơn, để xử lý dứt điểm tình trạng hiện nay là rất khó khăn vì phường cũng không có thẩm quyền. Nhiều khi nghe người dân phản ánh, phường cũng chỉ biết cử cán bộ xuống ghi nhận, quay phim chụp ảnh chứ không đủ nghiệp vụ để lấy mẫu rồi kiểm tra xem có ô nhiễm hay không. Quan điểm của phường là mong muốn các ngành chức năng xem xét và nếu cần thiết có chính sách di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô để giải quyết dứt điểm các kiến nghị của người dân.