Vụ rượu vang siêu tốc, siêu rẻ: Ai chịu trách nhiệm hay lại “trời kêu ai nấy dạ”?

Sông Hàn 18/01/2019 05:15

Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm sức mua tăng mạnh và cũng là cơ hội cho những kẻ “táng tận lương tâm” đưa vào thị trường những loại hàng hóa kém chất lượng.

Một lượng nhỏ dung dịch màu được rót vào chai. Tiếp đến, một loại dung dịch màu trắng có mùi giống như mùi cồn được đổ đầy vào chai. Trong khoảng 30 phút, hàng trăm chai rượu thành phẩm được pha chế và dán nhãn.  Thế là, họ đã đưa ra thị trường một loại thuốc độc có tên vang và sâm-panh chỉ với giá 18.000 đồng.

Rượu vang thành phẩm tại xưởng sản xuất của bà Nguyễn Thị Hoa (Hà Đông, Hà Nội).

“Công nghệ sản xuất” không giống ai, độc nhất vô nhị này mới được phát hiện tại một xưởng sản xuất vang và sâm-panh giả ở khu vực Ba La, quận Hà Đông, TP Hà Nội khiến cho dư luận không khỏi rùng mình, bức xúc.

Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp quá mới mẻ khiến cho mọi người phải quá đỗi bất ngờ. Ngược lại, sản xuất, kinh doanh rượu giả, rượu nhái và rượu kém chất lượng đã xuất hiện từ lâu ở Việt Nam. Các loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngâm với đủ thứ không rõ công dụng và tác hại bán tràn lan. Ai cũng có thể mua, ai cũng có thể uống!

Ví như, chỉ mới đây thôi, cơ quan chức năng đã xử lý một cơ sở sản xuất rượu pha bằng cồn công nghiệp, hóa chất ở Hưng Yên, khi mà mỗi ngày “nấu” hơn 2 vạn lít, tiêu thụ khắp các tỉnh miền Bắc. Đó là chưa kể vô số những trường hợp ngộ độc rượu tập thể khác được phát hiện và lần ra cơ sở sản xuất của nó..v..v.

Có thể bạn quan tâm

  • Báo động hàng giả, kém chất lượng ở ngành thực phẩm chức năng

    11:05, 17/01/2019

  • Hàng giả, hàng nhái tràn lan vì... xử lý chỉ như “gãi ngứa”

    06:39, 01/12/2018

  • "Tem chống hàng giả: cũng bị làm giả"

    13:42, 29/11/2018

  • Doanh nghiệp làm gì để bảo vệ hàng hóa trước tình trạng hàng giả, hàng nhái?

    20:00, 11/10/2018

  • Tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, buôn lậu, hàng giả

    18:11, 09/08/2018

  • Nghệ An “mạnh tay” với hàng gian lận thương mại

    06:00, 06/08/2018

  • Khó chống hàng giả, hàng nhái khi người mua tiếp tay gian thương

    00:52, 30/07/2018

Nhờ sự “phổ biến” của rượu mà các nhà khoa học, quản lý mới có công việc để làm đó là truy tìm những con số thống kê khủng khiếp dưới khía cạnh tác động xã hội, chẳng hạn: Rượu là nguyên nhân của 31% các vụ đánh giết nhau, 33% các vụ hiếp dâm hay 18% nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông. Rượu cũng là “đầu vào” của khoảng 60% các loại bệnh tật.

Hay, thống kê của ngành công thương cho thấy mỗi năm, có tới 270 triệu lít rượu được sản xuất và tiêu thụ, trong đó, không nhỏ là lượng rượu “ba không”: Không nhãn mác, không rõ nơi sản xuất, không biết chất lượng. Và chính những loại rượu “ba không” với không ít trường hợp pha bằng cồn công nghiệp methanol mang tính chất “thuốc độc” này đang là nguyên nhân trực tiếp gây ra ngộ độc và bệnh tật.

Đúng vậy, đã là rượu thì dù rượu thật hay giả đều mang đến những tác hại xấu cho người dùng khi uống quá nhiều, không kiểm soát được hành vi. Với rượu thật uống nhiều đã có hại thì hậu quả này còn nhanh và nghiêm trọng hơn khi uống nhầm phải rượu giả do cồn là chất độc hại, không được dùng trong ăn uống.

Còn nhớ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng đăng đàn bày tỏ nỗi bức xúc trước tình trạng uống rượu, sản xuất rượu giả. Bà kiên quyết rằng: “Không thể để xảy ra tình trạng xã hội ngày càng văn minh nhưng năm nào cũng có người chết đau đớn vì rượu trong những ngày lễ, tết”. Cùng với đó là một số dự luật liên quan cũng ra đời.

Quyết tâm là thế, nhưng thực tế trên cho thấy, ở Việt Nam có vẻ như hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu đều đang bị buông lỏng. Năm nào, cũng có một vài vụ tử vong do ngộ độc rượu, còn cấp cứu thì tới hàng trăm, nhưng rồi đâu lại vào đấy, người ta tặc lưỡi “trời kêu ai nấy dạ”, cơ quan chức năng cũng chỉ làm quấy quá cho qua chuyện.

“Nói có sách, mách có chứng”, tại cơ sở sản xuất vang và sâm-panh nói trên, với quy trình sản xuất thô sơ, không đảm bảo vệ sinh, thế nhưng  chủ cơ sở vẫn tự tin mỗi ngày sản xuất cả ngàn chai rượu bởi nhà có “ô” to. Nhiều năm nay, loại rượu sản xuất siêu tốc, giá siêu rẻ này vẫn được tung ra thị trường mà không bị bất cứ cơ quan chức năng nào xử lý.

Từ đây lại “lòi” ra một vấn đề cũ rích nhưng luôn mang tính thời sự:  Đằng sau câu chuyện về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như độ tin cậy của nhiều loại hàng hóa bán trên thị trường, đặc biệt là thực phẩm và đồ uống, thì vấn đề lương tâm của những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đồ uống cũng được đặt ra.

Song song, Chính quyền và Quản lý thị trường ở đâu? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những hàng hóa kém chất lượng vẫn được bày bán, tuồn ra thị trường với số lượng lớn như thế? Liệu người tiêu dùng có được bảo vệ, hay tiếp tục phải cố trở thành “người tiêu dùng thông thái”? 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ rượu vang siêu tốc, siêu rẻ: Ai chịu trách nhiệm hay lại “trời kêu ai nấy dạ”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO