Các luật sư cho rằng, ngoài tội danh đã bị khởi tố, các đồng phạm trong vụ thổi giá kit test có thể bị xử lý về tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ".
>> Vụ “thổi giá” kit test COVID-19: Cần làm rõ trách nhiệm của các bộ liên quan
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.
Có 7 bị can đã bị khởi tố, trong đó có Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương.
Về vấn đề này, dưới góc nhìn pháp luật, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp cho rằng, hành vi của các đối tượng này không chỉ vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luâjt mà còn gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận với những người đứng đầu, phụ trách công tác chống dịch của địa phương.
"Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đời sống người dân khó khăn, hành vi lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời của Giám đốc Công ty Việt Á cùng đồng phạm rất đáng lên án. Với tình tiết lợi dụng dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội, các bị can sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng theo Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cho biết, Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 đã quy định rõ về các trường hợp chỉ định thầu được áp dụng. Theo đó, các gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách sẽ tiến hành chỉ định thầu, không tổ chức đấu thầu rộng rãi.
Tuy nhiên, việc chỉ định thầu phải theo quy định của pháp luật để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong hoạt động đấu thầu.
Trường hợp này, các bị can đã có hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, gian lận, vi phạm quy định về đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu 2013. Do đó, việc cơ quan chức năng khởi tố Việt cùng đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" là có cơ sở.
"Trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền Việt cùng đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước là bao nhiêu. Nếu số tiền thiệt hại trên một tỷ đồng, căn cứ Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, khung hình phạt áp dụng sẽ là 10-20 năm tù. Nếu số tiền thiệt hại dưới một tỷ đồng, mức án tối đa các bị can có thể đối mặt là 12 năm tù", luật sư Cường nói.
>> Nghi vấn nhận “hoa hồng” từ Công ty Việt Á: Bộ Công an triệu tập Giám đốc CDC Nghệ An
Trong diễn biến mới nhất của vụ việc, Bộ Công an đã triệu tập 11 người ở Nghệ An ra Hà Nội làm rõ những thông tin liên quan trong vụ án Công ty Việt Á.
“Trong 11 người mà C03 gọi ra phối hợp điều tra thì có 8 người thuộc CDC Nghệ An, gồm giám đốc và 7 thuộc cấp; 3 người ở đơn vị bên ngoài trong đó một người đại diện công ty Việt Á tại Nghệ An”, nguồn tin cho hay.
Trước đó, CDC Nghệ An thông tin, đơn vị này đã mua sinh phẩm, vật tư y tế của công ty Việt Á khoảng 28 tỷ đồng. Ngoài Công ty Việt Á, trên địa bàn Nghệ An có 4 công ty cung ứng sản phẩm y tế. Tổng mua sắm của Nghệ An từ đầu mùa dịch đến nay là 60 tỷ đồng (28 tỷ đồng mua sinh phẩm của Việt Á, 32 tỷ đồng mua của các công ty còn lại).
Trong 28 tỷ đồng mua sinh phẩm, vật tư y tế của công ty Việt Á được triển khai ở 4 gói thầu (2 gói chỉ định thầu, 2 gói đấu thầu rộng rãi). Riêng 2 gói chỉ định thầu có tổng số tiền 18,5 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cũng đã đến CDC Nghệ An để thu thập các tài liệu, hồ sơ 4 gói thầu mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế (CDC Nghệ An làm chủ đầu tư, Công ty Việt Á là đơn vị trúng thầu-PV)”.
Có thể bạn quan tâm
10:30, 23/12/2021
04:10, 23/12/2021
04:10, 22/12/2021
04:02, 22/12/2021
08:06, 22/12/2021