Các vụ việc liên quan đến ngành y hiện nay đã cho thấy sự suy thoái về đạo đức của một số cán bộ ngành này và hiện tượng "sân sau", phạm tội có tổ chức là rất rõ ràng.
>> Vụ “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19: Cử tri quan tâm trách nhiệm các cơ quan liên quan
VKSND Tối cao (Vụ 3) vừa phê chuẩn quyết định khởi tố, lệnh bắt giam của Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đối với bị can Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương – CDC Hải Dương) cùng 6 đồng phạm trong vụ “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hải Dương.
Trước đó, vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thủ Đức... cho thấy, vấn đề mua sắm máy móc thiết bị y tế, vật tư y tế ở các bệnh viện công, các cơ sở y tế đã trở thành vấn nạn nhức nhối, xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Về vấn đề này, dưới góc nhìn pháp lý, Tiến sỹ - Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, thêm một vụ án gây rúng động trong ngành y tế, cho thấy sự suy thoái về đạo đức, tư tưởng, lối sống của một số cán bộ trong ngành này và hiện tượng "sân sau", phạm tội có tổ chức là rất rõ ràng. "Đã đến lúc cần dẹp loạn sân sau trong lĩnh vực y tế”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo Tiến sỹ Đặng Văn Cường, so sánh giá xét nghiệm COVID-19 ở Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới thời gian qua, giá ở Việt Nam cao hơn rất nhiều, thậm chí cao hơn nhiều lần so với các quốc gia khác, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, ảnh hưởng đến quyền lợi của rất nhiều tổ chức, cá nhân, gây hoài nghi và bức xúc trong dư luận.
Vụ án này đã làm rõ nguyên nhân quan trọng khiến giá xét nghiệm COVID-19 tăng cao là do các đối tượng đã vi phạm pháp luật trong việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho việc xét nghiệm, làm giá cả đầu vào tăng cao, người xét nghiệm phải trả chi phí rất lớn.
Đặc biệt, vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, việc lợi dụng dịch bệnh để phạm tội là hành vi rất đáng lên án.
Theo luật sư, đây cũng là hành vi tăng nặng trách nhiệm hình sự và việc Cơ quan điều tra (CQĐT) phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm như thế này rất cần thiết, nhằm đảm bảo công bằng xã hội và giảm bớt những tiêu cực trong hoạt động đấu thầu.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ án xảy ra tại CDC Hải Dương, số tiền hưởng lợi như vậy là rất lớn. CQĐT sẽ làm rõ việc đưa nhận tiền trong tình huống này có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội Đưa hối lộ theo điều 364 BLHS và tội Nhận hối lộ theo điều 354 BLHS năm 2015 hay không, để tiếp tục xử lý.
>> Từ vụ “móc ngoặc, thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19: Không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”!
Luật sư cho rằng, với hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại cho Nhà nước số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên, các đối tượng trong vụ án này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 10- 20 năm tù.
Trong quá trình điều tra vụ án, CQĐT cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, mở rộng điều tra đối với các địa phương khác, để làm rõ các sai phạm có liên quan của các bị can, giải quyết vụ án một cách triệt để, công bằng, đúng pháp luật.
Quá trình điều tra, nếu có căn cứ cho thấy các đối tượng còn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác như đưa hối lộ, nhận hối lộ, rửa tiền, trốn thuế... thì sẽ tiếp tục khởi tố thêm các tội danh khác và xử lý đối với các những người vi phạm theo quy định của pháp luật.
“Vụ án này một lần nữa cho thấy, một số doanh nghiệp sân sau đã thao túng ngành nghề, lĩnh vực ở nhiều địa phương, làm thất thoát tài sản Nhà nước, suy thoái đạo đức của cán bộ, gây giảm sút niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ mối quan hệ giữa doanh nghiệp và quan chức, làm rõ phương thức thủ đoạn của các đối tượng để xử lý theo quy quy định của pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
10:30, 22/12/2021
02:30, 22/12/2021
17:19, 21/12/2021
16:33, 21/12/2021