Khi đất nước đang gặp khó khăn chưa từng có, việc “thổi giá” kit test COVID-19 để trục lợi có thể nói là táng tận lương tâm.
>>Kit test COVID-19 bị “thổi giá” – Ai trả lại tiền “chênh” cho người dân, doanh nghiệp?
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tổ chức chuyên án đấu tranh với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế kit test COVID-19 xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.
Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu kit test COVID-19 của các địa phương, sản phẩm này thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Công ty Việt Á đã thông đồng với lãnh đạo các cơ sở, đơn vị y tế ở một số địa phương “thổi giá” kit test COVID-19. Điều này khiến dư luận phẫn nộ.
Mọi vấn đề được manh nha khi vào ngày 30/1/2020, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng sự bùng phát của dịch COVID-19 là một Tình trạng khẩn cấp về Y tế Công cộng cần Quan tâm của Quốc tế và vào ngày 11/3/2020, nó được coi là một đại dịch. Và kit xét nghiệm COVID-19 với chất lượng đảm bảo, an toàn và hiệu suất là một thành phần quan trọng của chiến lược tổng thể để kiểm soát đại dịch.
Thế là, rất nhiều các công ty công nghệ, dược phẩm ở các nước chạy đua với dịch, thời gian để sản xuất và cung cấp ra thị trường kit xét nghiệm. Lúc này, ở Việt Nam, theo thông tin từ Công ty Việt Á, WHO đã đánh giá bộ kit LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do công ty Việt Á sản xuất theo Quy trình Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00 chứng nhận chất lượng sản phẩm cho phép lưu hành toàn cầu.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam mới đây cho biết: “Bộ kit LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit đã được đánh giá và không cung cấp được bằng chứng bằng văn bản về an toàn, hiệu suất và/hoặc QMS (Hệ thống quản lý chất lượng thiết bị y tế) như yêu cầu”.
>>Vụ “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19: Cử tri quan tâm trách nhiệm các cơ quan liên quan
Đáng chú ý, dù mới đây Bộ Khoa học - Công nghệ đã nhận sai sót khi đưa tin “WHO chấp thuận kit test của Công ty Việt Á”. Nhưng chỉ một ngày sau khi Bộ Khoa học - Công nghệ thông qua kết quả nghiên cứu, Bộ Y tế đã cấp phép cho kit test của Công ty Việt Á.
Nên có một vấn đề đặt ra ở đây là: Tại sao việc quy định chất lượng sản phẩm Y tế lại dễ dàng được cấp phép như vậy? Liệu Bộ Y tế có thực hiện đúng quy trình và “không liên quan” đến vụ việc?
Lý giải về việc cấp phép thần tốc này, Bộ Y tế cho biết đã “thực hiện đúng quy định trong cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á”. Khi cấp phép đã căn cứ vào ý kiến của hội đồng và căn cứ vào kết quả đánh giá đáp ứng về độ nhạy và độ đặc hiệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Ngoài ra, còn có kết quả xác nhận cơ sở sản xuất của công ty đã đạt tiêu chuẩn ISO 13485:2016 do Tổ chức Bureau Veritas cấp (đây là tổ chức đã được Bộ Khoa học - Công nghệ công nhận) và theo các quy định tại Nghị định 36/2016/NĐ-CP, Nghị định 169/2018/NĐ-CP, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 bộ sinh phẩm nói trên trong thời hạn 6 tháng, từ ngày 4/3/2020, để sử dụng trong xét nghiệm sàng lọc.
Để khách quan hơn, xin trích bản tin ngày 18/12 từ Bộ Công an: “Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit”. Vậy có thể hiểu Bộ Y tế đã mặc nhiên để Công ty Việt Á “qua mặt”?
>>Vụ "thổi giá" kit xét nghiệm COVID-19: Đắng lòng...
Thêm vào đó, Bộ Y tế cho rằng đã “cương quyết phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong mua sắm, đấu thầu”. Vậy thì tại sao, trước khi Bộ Công an công bố vụ án “Khởi tố 07 đối tượng trong vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương” ngày 18/12/2021 thì Bộ Y tế có biết, có thông tin hay không? Quá trình thanh kiểm tra đã thu được kết quả gì hay mới chỉ dừng lại ở các văn bản, giấy tờ?
Cho đến nay, rất nhiều vấn đề dư luận băn khoăn, đặt ra xung quanh câu chuyện của Công ty Việt Á. Tuy nhiên, từ những sự việc này, chúng ta càng thấy thấm thía nhiều về vấn đề cơ chế thị trường. Rất nhiều người chỉ dừng ở cơ chế thị trường mà quên đi định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thị trường nên có hành vi mua bán, chụp giật, trục lợi một cách bất chấp, tham nhũng, tiêu cực, vơ vét.
Chính vì vậy, cần phải xử lý thật nghiêm các tỏ chức, cá nhân sai phạm, vì dù đó là một bộ phận nhỏ, là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng “bộ phận nhỏ” đó nếu không được loại bỏ cũng có thể phá hoại khủng khiếp thành quả của chúng ta, làm giảm niềm tin của nhân dân.
Có thể bạn quan tâm
08:06, 22/12/2021
04:10, 22/12/2021
17:19, 21/12/2021
16:33, 21/12/2021
15:00, 21/12/2021
12:16, 21/12/2021
11:11, 21/12/2021
04:00, 21/12/2021