Vụ Unilever bị đề nghị truy thu 575 tỷ đồng thuế: Ai sai, ai đúng?

B.T 08/12/2018 13:01

Kiểm toán Nhà nước đã có công văn đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu thuế với Unilever số tiền 575 tỷ đồng. Tuy nhiên, suốt 6 tháng qua, doanh nghiệp đều đề nghị không phạt chậm nộp.

Unilever bị truy thu 575 tỷ đồng thuế

Dùng dằng suốt 6 tháng 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, các doanh nghiệp sau kiểm toán hoặc thanh tra thuế đều đưa ra các lý do để tránh nộp ngân sách. “Unilever đã đưa ra lý lẽ cho rằng mình đúng nhưng không cung cấp được chứng cứ. Kiểm toán Nhà nước đã để họ 6 tháng để cung cấp tài liệu nhưng họ không cung cấp", ông Phớc nói.

"Chúng tôi làm việc với họ nhiều lần, cũng mời Cục thuế TP HCM làm chứng cả Tổng cục Thuế nữa, xác định số thuế phải nộp để làm rõ anh có bằng chứng gì, nghĩa vụ được miễn trừ như thế nào nhưng họ không chứng minh được. Unilever thuê E&Y tư vấn thuế cho họ. Khi chúng tôi mời họ làm việc nhiều lần, họ đều đề nghị không phạt chậm nộp, còn số liệu chứng minh loại trừ khoản thuế phải nộp thì không chứng minh được", ông Phớc nói thêm.

Thông tin thêm về trường hợp của Unilever, ông Phớc cho biết, theo quy định, từ năm 2009 tới năm 2013, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng không thuộc diện được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Giai đoạn này Unilever phát triển sản xuất, đầu tư mở rộng nên không được ưu đãi. Bởi vậy, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị truy thu Unilever số tiền 575 tỷ đồng. 

Đối với việc phạt chậm nộp với Unilever, ông Phớc cho rằng, đây là vấn đề cơ quan thuế định ra căn cứ quy định. Tuy nhiên, trong những lần làm việc với Unilever, theo ông, doanh nghiệp đều đề nghị không phạt chậm nộp.

Có thể bạn quan tâm

  • Unilever Việt Nam lọt Top 10 Doanh nghiệp bền vững xuất sắc

    22:49, 24/11/2018

  • Unilever từ chối lời chào mua giá 143 tỷ USD từ Kraft Heinz

    13:46, 18/02/2017

  • Unilever bị phạt vì... khai sai thuế

    10:09, 08/09/2016

  • Phát triển bền vững: Chiến lược kinh doanh của Unilever

    00:00, 08/08/2014

Unilever Việt Nam nói gì?

Trong khi đó, trong thông cáo của Công ty TNHNN Quốc tế Unilever Việt Nam gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trần Vũ Hoài - Phó Chủ tịch Phát triển bền vững và Đối ngoại của Unilever cho rằng, trong 25 năm hoạt động tại Việt Nam, Unilever luôn là những doanh nghiệp nước ngoài thành công nhất và dẫn đầu tại Việt Nam, Unilever luôn cam kết tuân thủ pháp luật và qui định tại Việt Nam trong quá trình hoạt động tại Việt Nam. Unilever luôn nằm trong danh sách doanh nghiệp đóng thuế cao nhất tại TP HCM và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam...

Vấn đề vướng mắc thuế thu nhập doanh nghiệp của Unilever, theo ông Hoài, đó là thuế thu nhập doanh nghiệp do đầu tư mở rộng giai đoạn 2009-2013, do có sự khác nhau trong Luật Thuế Đầu tư và Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp trước giai đoạn 2014. Sự khác biệt này là nguyên nhân dẫn đến có sự hiểu khác nhau cũng như gây nên sự bất cập đối với việc thực hiện trong thực tế doanh nghiệp và các cơ quan hữu trách.

Theo ông Hoài vấn đề này, công ty đã giải trình và kiến nghị với Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước để tìm ra các giải pháp thoả đáng cho các doanh nghiệp, trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng thông lệ và pháp luật quốc tế vì Unilever Việt Nam không phải là doanh nghiệp duy nhất gặp phải vấn đề này.

“Hiện Unilever đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong thời gian qua nhằm tìm được giải pháp chung. Hiện vấn đề này đang được Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan xử lý...” – ông Trần Vũ Hoài nói.

Liên quan tới vụ việc này, tại Nghị quyết phiên họp tháng 9/2018 của Chính phủ có đưa ra hướng xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian trước 2014.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các trường hợp vướng mắc của doanh nghieiepj do có sự khác nhau giữa Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian trước 2014 (như Nhà máy Thăng Long của Công ty TNHH Canon Việt Nam, Dự án Nhà máy Cần Thơ – Pepsico – Việt Nam, Công ty Unilever Việt Nam mở rộng đầu tư giai đoạn 2009 – 2013) báo cáo Thủ tướng trên tinh thần đảm bảo đúng nguyên tắc không hồi tố các quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ Unilever bị đề nghị truy thu 575 tỷ đồng thuế: Ai sai, ai đúng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO