Nhiều chuyên gia khẳng định, hiện tại, chưa có căn cứ xử phạt Grab và còn nhiều vấn đề phải làm rõ trong vụ việc này.
Chiều 23/10, đại diện Viện KSND TP.HCM (VKS) đã phát biểu quan điểm vụ kiện “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
VKS nêu quan điểm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần hơn 41,2 tỉ đồng về thiệt hại phát sinh do các hành vi vi phạm của Grab gây ra.
Vấn đề này, ngay lập tức gặp phải ý kiến trái chiều của rất nhiều chuyên gia. Diễn đàn Doanh nghiệp ghi nhận một số ý kiến, về vấn đề này.
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh: Chưa có căn cứ xử phạt Grab
Đây là một vụ kiện mà quan hệ tranh chấp có tính mới nên việc áp dụng luật cũng còn nhiều quan điểm khác nhau. Tòa án áp dụng quan hệ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên theo tôi vụ việc cần phải được làm sáng tỏ từ nhiều bên, các bên liên quan.
Tôi cho rằng vụ kiện này xảy ra là do taxi truyền thống bị giảm doanh thu sau khi taxi công nghệ du nhập vào Việt Nam.
Đây là một xu thế tất yếu của thời đại công nghệ nên việc xảy ra kiện tụng tôi cho rằng cần có ý kiến từ cơ quan quản lý hành chính của nhà nước do vậy việc đại diện Grab yêu cầu mời Bộ Giao thông Vận tải tham gia phiên tòa theo tôi là hợp lý và tòa án nên chấp nhận vì việc thí điểm hang taxi công nghệ đã được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý do vậy việc xác định lỗi ở đây là rất quan trọng và theo tôi taxi công nghệ không có lỗi trong trường hợp này.
Theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì: Bên bồi thường phải là bên vi phạm pháp luật và vi phạm đó phải là nguyên nhân gây thiệt hại cho bên bị thiệt hại, và bên vi phạm phải có lỗi…. Trong khi Grab chưa bị xử phạt về vấn đề này lần nào nên quy trách nhiệm cho lỗi của Grab theo tôi là chưa có căn cứ.
Hơn nữa việc VKS yêu cầu tòa chấp nhận Vinasun yêu cầu Grab bồi thường trên 42 tỷ theo tôi cũng chưa có căn cứ và cần triệu tập công ty định giá vụ việc này cũng như hồ sơ tài chính, kiểm toán của công ty Vinasun xem tính hợp lệ của số tiền thiệt hại và sự khách quan của chứng thư thẩm định giá nhưng tại phiên tòa đều không có bên thẩm định giá, kiểm toán, và đại diện Bộ Giao thông Vận tải nên theo tôi chưa đầy đủ người tham gia tố tụng theo quy định.
Theo tôi, đây là vấn đề cạnh tranh nên giao cho Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương giải quyết theo tôi sẽ hợp lý, sau đó các bên mới có cơ sở ra tòa án.
Theo tôi nếu Grab thua kiện thì đây là một tiền lệ không tốt cho các vụ án tương tự tiếp tục xảy ra sau này khi các hãng kinh doanh truyền thống sẽ đâm đơn kiện các hãng kinh doanh công nghệ, điện tử. Tạo theo 1 loạt tranh chấp hoặc các nhà đầu tư sẽ e ngại khi đầu tư vào Việt Nam.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO: Tòa án Kinh tế - TAND TP.HCM hoàn toàn không có đủ thẩm quyền để giải quyết yêu cầu của Vinasun
Ngay từ đầu, kiện bồi thường ngoài hợp đồng không phải mục tiêu chính của Vinasun. Đấy chỉ là cái cớ để các bên tham gia tranh tụng, để tòa phân tích, kết luận rồi từ đó suy ra Grab chính là doanh nghiệp taxi. Vinasun đang mượn gió bẻ măng, thông qua quá trình thụ lý vụ án của tòa để gián tiếp gắn mô hình kinh doanh taxi cho Grab, mục đích sâu xa là tác động, ảnh hưởng đến bản dự thảo Nghị định 86 sửa đổi của Bộ Giao thông Vận tải và nếu như bản dự thảo mới nhất (Bộ GTVT kiến nghị gom trứng về 1 giỏ, quản Grab như taxi truyền thống) được thông qua thì coi như vụ kiện cũng kết thúc.
Hơn nữa, Tòa án Kinh tế - TAND TP HCM hoàn toàn không có đủ thẩm quyền để giải quyết yêu cầu của Vinasun. Vinasun cáo buộc Grab hoạt động vi phạm đến án thí điểm 24, cái này thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải; Cáo buộc Grab vi phạm quy định về giá, khuyến mãi thì gửi đơn kiến nghị giải quyết lên Bộ Công Thương mới là hợp lý. "Còn nếu nói vì Grab ra đời, nhiều tài xế chuyển sang chạy Grab, người dân đi Grab nhiều nên Vinasun thua lỗ thì quá nực cười. Nếu 1 doanh nghiệp hoạt động theo đúng pháp luật, làm ăn tốt khiến đối thủ thiệt hại hàng nghìn tỉ thì anh cũng phải chịu. Đấy không phải lỗi của doanh nghiệp mà chính là do anh.
Thiệt hại tính toán cho Vinasun đang làm theo kiểu "bốc thuốc", không rõ ràng, không có căn cứ cơ sở. Đơn vị tư vấn có nghĩa vụ phải có mặt để giải thích, làm cơ sở cho tòa đi đến kết luận. Không có mặt trong tất cả các phiên xử là bất thường, có vấn đề.
Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh: Còn ba vấn đề cần làm rõ
Về việc khởi kiện của Vinasun đối với Grab cũng như phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun thì Hội đồng xét xử sẽ xem xét và quyết định cuối cùng. Phát biểu, đề nghị của Kiểm sát viên về quan điểm giải quyết vụ án không phải là kết luận, quyết định cuối cùng của Hội đồng xét xử.
Theo dõi diễn biến vụ việc này, tôi cho rằng có một số vấn đề cần phải làm rõ. Một là, Grab là công ty công nghệ là là công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hay thậm chí đó là công ty kinh doanh dịch vụ vận tải có ứng dụng công nghệ? Hai là, Grab có vi phạm quy định của pháp luật trong quá quá trình hoạt động hay không, cụ thể là các quy định tại Đề án thí điểm, quảng cáo, cạnh tranh,... Ba là, có đủ cơ sở để buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun hay không.
Việc xác định Grab là công ty kinh doanh vận tải hay công ty công nghệ hay là công ty vận tải có ứng dụng công nghệ để xem xét áp dụng các quy định pháp luật điều chỉnh phù hợp, kể cả xây dựng khung pháp lý điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới. Không thể quản lý Grab theo kiểu “truyền thống” nhưng cũng vẫn cần khung pháp lý đủ hài hòa, công bằng cho hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Trên thế giới đã có tiền lệ vụ kiện đối với Uber tại Tòa Công lý Châu Âu, Tòa này đã phán quyết theo hướng Công ty Uber cũng là công ty kinh doanh dịch vụ vận tải.
Về việc Grab có vi phạm quy định của pháp luật hay không cũng là một trong các căn cứ xác định Grab có chịu trách nhiệm bồi thường cho Vinasun hay không (cần nhưng chưa đủ). Vấn đề này thì tôi cho rằng Hội đồng xét xử sẽ có những nhận định đánh giá toàn diện, khách quan. Tuy vậy, giả định việc có vi phạm quy định của pháp luật như quy định về Đề án thí điểm,… thì Grab chỉ chịu trách nhiệm với cơ quan có thẩm quyền về những vi phạm đó, ví dụ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ theo quy định của pháp luật,... không đương nhiên Grab phải bồi thường cho Vinasun.
Về việc bồi thường, đây là yêu cầu chính của Vinasun cũng như Kiểm sát viên đã phát biểu quan điểm về việc này. Theo quy định của pháp luật hiện hành về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, một bên chỉ phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu có đầy đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật, bao gồm hành vi trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra, có quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật và yếu tố lỗi của người vi phạm. Việc chứng minh này tất nhiên không dễ dàng, đòi hỏi phải thu thập nhiều chứng cứ. Tòa án sẽ xem xét, đánh giá để có quyết định cuối cùng về việc có chấp nhận yêu cầu khởi kiện hay không và chấp nhận đến mức độ nào.
Vấn đề mấu chốt ở đây là Grab có vi phạm không và vi phạm đó của Grab có gây ra thiệt hại và toàn bộ thiệt hại cho Vinasun hay không? Việc sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của Vinasun có phải là thiệt hại do Grab gây ra hay không? Có thể dễ dàng thấy rằng việc sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của một doanh nghiệp là do nhiều yếu tố, do sự lựa chọn và quyết định của khách hàng khi có dịch vụ tốt hơn, đáng sử dụng hơn chứ không hẳn là hành vi vi phạm của bên nào. Tôi cho rằng rất khó chứng minh, thậm chí là có khả năng không tồn tại quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật của Grab (nếu có) đối với thiệt hại (nếu có) của Vinasun. Do đó, rất khó có thể chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vinasun.