Mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhiều lần ra văn bản thu hồi, cưỡng chế 28ha đất vàng tại TP Vũng Tàu, thế nhưng, 2 doanh nghiệp vẫn nhiều lần khiếu nại.
Đáng chú ý, sau những lùm xùm vụ xài chùa 28ha đất vàng ở TP Vũng Tàu, ngày 18/11/2024, UBND TP Vũng Tàu chính thức cưỡng chế thu hồi đất, buộc tháo dỡ, di dời tài sản trên đất đối với 2 doanh nghiệp đang sử dụng đất ở Bãi Sau để thực hiện dự án chỉnh trang đô thị.
Trong đó, 2 doanh nghiệp bị lực lượng chức năng thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ các công trình, gồm: Công ty CP du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty CP du lịch quốc tế Hải Dương. Đây là 2 doanh nghiệp đang sử dụng đất ở Bãi Sau, buộc phải thực hiện cưỡng chế để bàn giao đất sạch cho đơn vị thi công thực hiện dự án chỉnh trang trục đường Thùy Vân.
Trao đổi với báo chí về việc cưỡng chế, đại diện lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu, cho biết thời gian thực hiện cưỡng chế dự kiến khoảng 10 ngày hoặc có thể kéo dài hơn. Hiện nay, lực lượng chức năng đã đưa các tài sản của 2 doanh nghiệp ra khu vực đất trống để kiểm kê. Những tài sản này sẽ được lưu giữ trong kho để bảo quản.
"Người của 2 doanh nghiệp trên không chống đối lệnh cưỡng chế, nhưng họ yêu cầu cơ quan chức năng ra văn bản thu hồi đất đúng đối tượng đang sử dụng đất và phải có quyết định thu hồi đất đối với 2 doanh nghiệp", đại diện lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu cho biết.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, sau khi dư luận và báo chí phản ánh liên quan tới vụ 28 ha đất vàng không rõ chủ suốt nhiều năm tại TP Vũng Tàu, đã để lại nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, những câu hỏi được đặt ra là thực hư các doanh nghiệp có “xài chùa” 28ha đất ven biển hay không? Và vì sao các doanh nghiệp không đồng ý với quyết định phê duyệt phương án bồi thường của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu? Đâu là lý do khiến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Bãi Sau (TP Vũng Tàu) khiếu nại và được cơ quan chức năng thẩm định lại quyết định bồi thường?
Liên quan tới việc có hay không các doanh nghiệp "xài chùa", và không đóng thuế suốt nhiều năm, đại diện ngành thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong quá trình sử dụng đất, một số doanh nghiệp không đóng thuế, một số doanh nghiệp có đóng nhưng chưa đủ và hiện nay một số doanh nghiệp vẫn còn nợ thuế.
Ai là đối tượng bị thu hồi đất?
Còn theo dữ liệu của Diễn đàn Doanh nghiệp, năm 2021 UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định thu hồi hơn 28 ha đất của 9 doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Bãi Sau (TP Vũng Tàu). Đáng nói, trong các doanh nghiệp thuê đất còn nợ tiền thuế, thuê đất hàng trăm tỷ đồng. Do đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định thu hồi và lên kế hoạch bồi thường vật, kiến trúc, hoa màu cho các đơn vị trên với số tiền gần 700 triệu đồng.
Không đồng ý với quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các doanh nghiệp đã khiếu nại và được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Theo đó, UBND tỉnh chấp thuận bồi thường nhà, công trình kiến trúc khác trên đất của các doanh nghiệp được cấp giấy phép xây dựng và xây dựng phù hợp với quy hoạch 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc được cổ phần hóa cho doanh nghiệp trên đất bị thu hồi thì được bồi thường. Phương án bồi thường nhà, vật kiến trúc trên đất cho 4 doanh nghiệp, gồm: Công ty CP du lịch Nghinh Phong, Công ty CP du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty CP Lạc Việt và Công ty CP khách sạn du lịch Tháng Mười.
Về nguồn gốc đất, đại diện lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng: ngày 30/11/1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho Công ty ĐTXL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thời điểm này doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) thuê hơn 28 ha đất để xây dựng bãi tắm Thùy Vân tại Bãi Sau.
Sau khi nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở bãi tắm Thùy Vân, Công ty ĐTXL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho nhiều doanh nghiệp thuê lại mặt bằng để đầu tư du lịch. Năm 2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định thu hồi hơn 28 ha đất mà các doanh nghiệp thứ phát đang kinh doanh du lịch ở Bãi Sau. Sau đó, các doanh nghiệp đã bàn giao đất sạch cho UBND TP Vũng Tàu, riêng Công ty CP du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty CP du lịch quốc tế Hải Dương chưa bàn giao mặt bằng vì còn khiếu nại. Về nội dung khiếu nại, cả 2 doanh nghiệp đều đề nghị cơ quan chức năng phải có văn bản thu hồi đất mới chấp hành.
Trước những vấn đề trên, năm 2024, các cơ quan chức năng của TP Vũng Tàu và tỉnh đã nhiều lần họp, trả lời kiến nghị, đồng thời khẳng định: Công ty ĐTXL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho thuê hơn 28 ha đất vào năm 1996 (trong đó có diện tích đất của Công ty CP du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty CP du lịch quốc tế Hải Dương thuê lại từ Công ty Đầu tư xây lắp). Do đó, địa phương chỉ có quyết định thu hồi đất đối với Công ty ĐTXL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vì doanh nghiệp này mới là đối tượng bị thu hồi đất theo quy định.
Vì vậy, ở thời điểm UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quyết định số 2315 (năm 2021) và Quyết định số 1101 (năm 2022) thu hồi hơn 28 ha đất, Công ty CP du lịch quốc tế Vũng Tàu và Công ty CP du lịch quốc tế Hải Dương không có quyết định của nhà nước về giao đất, cho thuê đất… nên không phải là đối tượng được nhà nước trao quyền sử dụng đất. Do đó không đáp ứng điều kiện là đối tượng thu hồi đất theo quy định.
Theo lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu, việc cưỡng chế thu hồi đất là cần thiết và cấp bách, vì nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh.