Vụ "xếp lốt", "làm luật" tại cửa khẩu: Ngành Hải quan Lạng Sơn nói gì?

NGUYỄN GIANG 15/01/2022 23:32

Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, bà Hứa Thị Hồng khẳng định, việc “đưa và nhận hối lộ” là hành vi xảy ra bên ngoài, không liên quan tới ngành hải quan…

>>Chuyện “tiền luật”, “cò thông quan” ở cửa khẩu Lạng Sơn

3 đối tượng vừa bị CA tỉnh Lạng Sơn bắt giữ chiều 14/1

3 đối tượng vừa bị CA tỉnh Lạng Sơn bắt giữ chiều 14/1

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, chiều 14/1, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can về hành vi “đưa và nhận hối lộ” liên quan đến vụ dàn xếp ưu tiên cho xe hàng xuất khẩu qua biên giới Lạng Sơn.

Theo điều tra ban đầu xác định, lợi dụng tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, xe ô tô đỗ dài ngày ở các bãi kiểm hóa, trung chuyển, đối tượng Thìn, một người chuyên “làm luật”, “cò mồi’ xuất nhập khẩu ở biên giới đã móc nối với hai cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc đang làm nhiệm vụ phát phiếu thứ tự tại bãi trung chuyển hàng hóa Bản Liếp, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc để thực hiện việc “bán lốt”, cho những xe được ưu tiên đi trước với giá từ 200 đến 300 triệu đồng/xe.

Trả lời báo chí liên quan đến vụ việc này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn) Hứa Thị Hồng khẳng định, việc “đưa và nhận hối lộ” là hành vi xảy ra bên ngoài, không liên quan tới ngành hải quan. Nhiệm vụ của cơ quan hải quan là thực hiện các thủ tục thông quan theo quy định, thuần túy là việc giấy tờ, sổ sách.

Việc xếp số thứ tự, sau đó vượt số để ưu tiên các phương tiện được thông quan trước hay sau là việc xảy ra ngoài phạm vi cơ quan hải quan. Các đơn vị đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông, an ninh bến bãi… đảm trách vấn đề này. Cơ quan hải quan không phụ trách hay liên quan đến lĩnh vực này”, bà Hồng khẳng định.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan Hữu Nghị (cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị) cho biết, một container hàng nông sản xuất khẩu có mức phí hải quan là 20 nghìn đồng/xe/lượt; phí hạ tầng cửa khẩu 800.000 đồng/phương tiện, do Trung tâm quản lý cửa khẩu thu.

Công ty Xuân Cương thu phí bến bãi nếu phương tiện lưu trú trong thời gian chờ thông quan. Các khoản phí lưu trú này được thông tin mở, có bảng giá dán công khai do Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn công bố.

Hàng nông sản 98% là tờ khai luồng xanh. Khi doanh nghiệp đẩy tờ khai lên hệ thống thông quan điện tử đã gần như xong các thủ tục rồi thì còn cần gì phải làm thủ tục với hải quan nữa. Hàng lên đến cửa khẩu từ phía Nam đưa ra, quá trình đi lại trên đường ùn ứ, ách tắc nên CSGT phải điều phối vào bãi trung chuyển", bà Hồng nói.

Bãi trung chuyển đó do Công an huyện Cao Lộc phụ trách an ninh, phân luồng, xe nào vào trước ra trước, xe vào sau ra sau, mỗi xe được phát một phiếu. Khi ra khỏi bãi trung chuyển, lực lượng biên phòng sẽ điều phối từ khu vực ngã ba Đồng Đăng đi vào cửa khẩu.

Theo bà Hồng, chức năng của Hải quan là có hàng thì làm thủ tục, còn phương tiện đi vào hay đi ra là của các cơ quan khác điều phối.

Bà Hồng giải thích, nhiệm vụ duy nhất của hải quan (đối với hàng nông sản xuất khẩu sau thông quan), đó là đảm bảo hàng hóa, phương tiện đã được thông quan có đi qua cửa B1 (cửa sang bên kia biên giới) hay không và xác nhận.

"Chúng tôi giật mình khi thấy đưa tin “nhà luật” làm luật hàng chục triệu đồng/xe. Ngoài ra, dư luận khi nghe từ “thông quan” đều đánh đồng rằng đó là tiêu cực trong ngành hải quan, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ngành. Chúng tôi rất buồn”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị chia sẻ.

>>Vụ "xếp lốt", "làm luật" tại cửa khẩu Lạng Sơn: Bắt tạm giam 2 cán bộ

Bộ đội biên phòng kiểm tra, hướng dẫn phương tiện trước khi vào cửa khẩu.

Bộ đội biên phòng kiểm tra, hướng dẫn phương tiện trước khi vào cửa khẩu.

Liên quan tới thông tin phương tiện xuất khẩu nông sản bị thu “ tiền luật” hàng chục triệu đồng tại cửa khẩu, đại diện cục Hải quan Lạng Sơn cho biết, đơn vị đã chỉ đạo kiểm tra rà soát nhưng chưa phát hiện có sai phạm.

Theo quy định, chỉ đại lý hải quan và những người được doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chủ hàng ủy quyền, giới thiệu đến mới được thực hiện thủ tục thông quan.

Hải quan Lạng Sơn đã kiểm tra cho thấy tất cả những người trên đều được chủ hàng và tổ chức liên quan cử đến, có giấy giới thiệu, đóng dấu ủy quyền theo quy định.

Hơn nữa, lực lượng Hải quan không có quyền kiểm tra hợp đồng lao động của họ với doanh nghiệp nên không thể khẳng định những người này có đang làm việc tại những đơn vị này hay không”, vị đại diện này chia sẻ.

Ngoài ra, việc cấp phép hoạt động đại lý hải quan và cán bộ các đại lý này cũng khá chặt chẽ khi phải thành lập doanh nghiệp, có ít nhất 3 cán bộ.

Các cán bộ này phải có trình độ từ cao đẳng các ngành thuế, tài chính trở lên, có chứng chỉ đã tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hải quan mới được Tổng cục Hải quan cấp phép hoạt động... Đến nay, Cục Hải quan Lạng Sơn chưa phát hiện, xử lý trường hợp vi phạm nào”, đại diện Cục Hải quan Lạng Sơn thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyện “tiền luật”, “cò thông quan” ở cửa khẩu Lạng Sơn

    Chuyện “tiền luật”, “cò thông quan” ở cửa khẩu Lạng Sơn

    12:36, 14/01/2022

  • Vụ

    Vụ "xếp lốt", "làm luật" tại cửa khẩu Lạng Sơn: Bắt tạm giam 2 cán bộ

    17:20, 14/01/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại Lạng sơn

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phó Thủ tướng chỉ đạo khắc phục tình trạng ùn tắc nông sản tại Lạng sơn

    19:05, 18/12/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Lạng Sơn cần phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội của địa phương

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Lạng Sơn cần phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội của địa phương

    19:10, 29/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ "xếp lốt", "làm luật" tại cửa khẩu: Ngành Hải quan Lạng Sơn nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO