Vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: Phiên tòa lạ kỳ?

Sông Hàn 23/05/2018 05:32

22/5 - ngày làm việc thứ 6 phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo trong vụ tai biến y khoa chạy thận ở BVĐK tỉnh Hòa Bình làm 9 người tử vong tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Đáng chú ý, vụ án đang xét xử đã xuất hiện nhiều bất thường mang đến cho người theo dõi sự bất bình lẫn cảm thương sâu sắc.

Sở dĩ, nói cảm thương bởi vì dường như từ người thân của gia đình nạn nhân, đến dư luận và đồng nghiệp khác của bác sĩ Hoàng Công Lương rất hiểu vấn đề nên đang mong chờ một niềm tin về hai chữ ‘công lý’ sẽ được thực thi.

Quang cảnh phiên tòa ngay 22/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quang cảnh phiên tòa ngày 22/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đúng là, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án y khoa và người nhà nạn nhân rất bức xúc đối với đội ngũ y bác sĩ. Thế nhưng kỳ lạ thay, trong vụ án này, họ đã không làm vậy. Dù trải qua mất mát lớn, nhưng đích thân những người nhà nạn nhân vẫn xin tòa giảm án cho các bị cáo. Họ - chỉ đơn thuần là người nông dân chân chất, ấy thế mà hiểu được nguyên nhân tử vong là do tồn dư hóa chất của tổ chức bảo dưỡng máy chạy thận gây nên; họ hiểu được trong chuyện này chuyên môn của y bác sĩ không có vấn đề gì.

Khi được hỏi lần lượt đại diện 8/9 gia đình nạn nhân đều đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ tội cho 2 bị cáo Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn do cả 2 còn quá trẻ, là trụ cột chính trong gia đình và chỉ là nạn nhân trong vụ án. Riêng bác sĩ Hoàng Công Lương, các gia đình đề nghị toà tuyên vô tội.

“Bản thân tôi nghĩ rằng trong vụ việc này tôi đã làm tròn trách nhiệm, hy vọng phiên tòa sẽ xét xử đúng người đúng tội. Điều bặc biệt, có sự ủng hộ của gia đình 9 nạn nhân tôi tin tòa sẽ xét xử công tâm, công lý sẽ được thực thi”- bác sĩ Hoàng Công Lương chia sẻ.

Khách quan mà nói, mỗi một cá nhân trong tập thể đội ngũ y bác sĩ đều có một chuyên môn riêng. Nó tương tự như một anh thợ sửa xe máy lành nghề, anh thợ này chỉ được đào tạo để sửa máy, chứ đâu được đào tạo để đi kiểm tra thành phần xăng trước khi sửa đâu.

Tiếc thay, giữa lúc niềm tin mong manh về công lý được nhen nhóm, thì phiên tòa hai ngày qua đã xuất hiện nhiều bất thường.

Chẳng hạn như: Rất nhiều người có trách nhiệm trong vụ việc lại không xuất hiện tại phiên tòa như nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương dù được triệu tập nhưng không đến do đang ở nước ngoài. Hay đại diện của ngành y tế, cho đến những mập mờ từ phía sau những hợp đồng thuê máy móc của BVĐK tỉnh Hòa Bình..v..v.

Những con người này không xuất hiện sao được, họ đều có liên quan đến vụ án, họ đều liên quan trực tiếp đến sự cố xảy ra cơ mà.

Rồi, chuyện điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực Đinh Tiến Công điền thêm nội dung phân công nhiệm vụ vào sổ họp giao ban năm 2015 và 2016 khiến cho Hội đồng xét xử phải làm rõ thêm.

Kế đến, phiên tòa đã vi phạm nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội.

Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, tức mọi người tham gia tố tụng đều có quyền bảo vệ ý kiến của mình, được đưa ra mọi bằng chứng, nhân chứng mà có liên quan đến vụ án để chứng minh mình vô tội. Còn, nguyên tắc suy đoán vô tội, tức là bên có nghĩa vụ chứng minh hành vi phạm tội là Tòa án, Viện kiểm sát, người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng mình mình vô tội…

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đã phân trần: “Mỗi sơ suất mà sau đó không được bảo vệ của ngành, không có sự bảo vệ của lực lượng pháp luật chuyên nghiệp thì không được… Cơ quan tố tụng phải xác định đúng người đúng tội chứ không thể đổ hết cho một bác sĩ trực tiếp làm và lo cứu chữa cho bệnh nhân, trong khi bác sĩ làm sao biết được chất lượng nước để chạy thận như thế nào”.

Thế nên, ngay sau buổi xét xử kia, ngập tràn mạng xã hội là lời kêu than, trong đó có sự lên tiếng của những y, bác sĩ về sự bất công với ngành nghề của mình. Họ cho rằng, họ đi làm đã quá khổ cực rồi, vậy mà chúng ta có những chuyện xét xử công lý như thế này thì một ngày nào đó có thể sẽ đến lượt họ vào tù vì những vi phạm kiểu như bác sĩ Hoàng Công Lương.

Quả thật, đã và đang có nhiều người mang nỗi sợ sau sự bất công mà đồng nghiệp của mình phải chịu. Có người lên tiếng phản đối, nhiều người im lặng cam chịu, người người phải bỏ áo ra đi,… Dù gì thì cả ngành y, tất cả người làm trong ngành y, đến cả những sinh viên còn chưa tốt nghiệp cũng đang lo lắng trong hướng đi của mình ở tương lai. Họ sẽ đi đâu đây khi hành động “chậm vài giây thì bệnh nhân chết, nhanh vài giây có thể họ vào tù”?

Khi mà những bất thường của phiên tòa còn chưa được làm rõ, thì chắc hẳn sẽ có những y bác sĩ cầm cái kim tiêm, cầm máy móc cũng sẽ phải run sợ. Đồng thời, lòng tin của dư luận về công lý vô tình cũng bị bỏ rơi.

Phiên tòa, ôi sao mà lạ kỳ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: Phiên tòa lạ kỳ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO