24h

Vụ Xuyên Việt Oil: Kiến nghị “bịt” “kẽ hở” kinh doanh xăng dầu

Khôi Nguyên 30/08/2024 00:30

Trong kết luận điều tra vụ Xuyên Việt Oil, Cơ quan An ninh điều tra kiến nghị hàng loạt giải pháp nhằm bịt lỗ hổng trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu…

vu-xuyen-viet-oil-kien-nghi-bit-ke-ho-kinh-doanh-xang-dau-2.jpg
Bà "trùm" kinh doanh xăng dầu Mai Thị Hồng Hạnh đã lợi dụng kẽ hở để trục lợi.

Theo kết luận điều tra, lợi dụng chức vụ quyền hạn, bị can Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, viết tắt là Xuyên Việt Oil) đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng giá dầu (quỹ BOG) và tiền thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền là 1.463 tỷ đồng. Ngoài ra, Hạnh đưa hối lộ số tiền gần 30 tỷ đồng cho hàng loạt cá nhân.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đánh giá, đây là vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ liên quan đến lĩnh vực an ninh năng lượng, an ninh tài chính, ngân hàng xảy ra từ trung ương đến địa phương, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát tài sản Nhà nước đặc biệt lớn, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và được dư luận xã hội quan tâm.

Để xảy ra tội phạm này, Cơ quan ANĐT Bộ Công an cho rằng có một số nguyên nhân, cụ thể: Đối với công tác kiểm tra, giám sát Quỹ BOG: Theo các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, BOG không được quản lý tập trung mà được để tại doanh nghiệp Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và giao doanh nghiệp tự quản lý, chủ động trích lập, sử dụng và báo cáo số dư Quỹ BOG về Cơ quan quản lý nhà nước.

Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể phương pháp, cách thức quản lý, kiểm tra thực tế số dư Quỹ BOG mà doanh nghiệp đã trích lập trong từng kỳ báo cáo và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý liên quan, nên chủ sở hữu các doanh nghiệp đã lợi dụng để chiếm dụng, sử dụng trái phép, dẫn đến thất thoát tài sản.

Đối với công tác quản lý, thu tiền Thuế bảo vệ môi trường: Đây là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc nhà nước không trực tiếp thu tiền thuế này từ người tiêu dùng mà giao cho Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thủ hộ cho nhà nước, nhưng số tiền thu hộ không được hạch toán, nộp vào tài khoản định danh riêng biệt, nên đã bị chủ sở hữu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lợi dụng để chiếm dụng…

Việc cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu: Do quy định hiện hành chưa quy định chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền cấp phép “móc nối, hướng dẫn” doanh nghiệp thực hiện hoặc bỏ qua việc hợp thức hoá hồ sơ, điều kiện cấp phép, doanh nghiệp không duy trì điều kiện kinh doanh sau khi được cấp phép.

Đối với các bị can phạm các tội tham nhũng, Cơ quan điều tra nhận định họ vì động cơ vụ lợi, đã thiếu gương mẫu, suy thoái đạo đức, lợi dụng việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thuế, ngân hàng để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

vu-xuyen-viet-oil-kien-nghi-bit-ke-ho-kinh-doanh-xang-dau-1.jpg
Hai sếp Xuyên Việt Oil - Mai Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Thị Như Phương (từ trái qua). Ảnh: Bộ Công an

Từ những nguyên nhân nêu trên, Cơ quan ANĐT Bộ Công an kiến nghị, trước mắt phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG của các cơ quan quản lý nhà nước và yêu cầu Thương nhân đầu mối xăng dầu phải công khai sổ dư Quỹ và tài liệu, chứng từ chứng minh theo định kỳ hàng tháng để đảm bảo chặt chẽ, minh bạch.

Sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu, cần quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước và cần thiết giao một cơ quan duy nhất có quyền hạn, trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát Quỹ BOG hoặc chuyển Quỹ BOG về Cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp. Trường hợp phát hiện có vi phạm thì chuyển ngay Cơ quan điều tra xem xét, xử lý hình sự.

Với công tác quản lý, thu tiền Thuế bảo vệ môi trường, Cơ quan điều tra cho rằng, pháp luật cần quy định thời gian cụ thể để doanh nghiệp phải nộp số tiền thuế đã thu hộ vào ngân sách nhà nước và trách nhiệm hình sự của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp không thực hiện việc chuyển nộp số tiền đã thu hộ này vào ngân sách nhà nước theo thời gian quy định.

Cơ quan thuế cũng tăng cường công tác thanh tra, giám sát và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền chấn chỉnh trong quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và kịp thời có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý. Trường hợp, để xảy ra sai phạm, thì người đứng đầu cơ quan thuế và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bên cạnh đó, pháp luật cần quy định trách nhiệm, chế tài nghiêm khắc đối với đơn vị, người có thẩm quyền cấp phép làm Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trường hợp doanh nghiệp không duy trì điều kiện cấp phép thì phải kiến nghị thu hồi giấy phép và có hình thức phạt bổ sung nghiêm khắc.

Cuối cùng, Cơ quan điều tra kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần khẩn trương rà soát, kiến nghị xử lý nghiêm khắc nhằm giáo dục, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ Xuyên Việt Oil: Kiến nghị “bịt” “kẽ hở” kinh doanh xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO