Từ khoản lợi nhuận 28 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, sau soát xét, "vua cá tra" (mã HVG) lỗ nặng 134 tỷ đồng do trích lập dự phòng phải thu khó đòi và lỗ trong các giao dịch nội bộ.
Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2019 sau nhiều lần bị Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) nhắc nhở chậm nộp. Theo đó, doanh thu thuần nửa đầu năm của Hùng Vương đạt 2.876 tỷ đồng, doanh thu này tăng thêm 229 tỷ đồng so với trước soát xét. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp của "vua cá tra" chỉ tăng nhẹ, đạt 320 tỷ đồng.
Doanh thu xuất khẩu giảm 60%
Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 159 tỷ đồng, gấp 4 lần so với báo cáo tự lập. Lỗ trong các liên doanh liên kết 43 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần. Đây chính là nguyên nhân khiến cho Hùng Vương báo lỗ thuần 120 tỷ đồng, thay vì lãi 28 tỷ đồng như báo cáo tự lập. Số lỗ sau thuế soát xét lên tới 134 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo thuyết minh soát xét, Hùng Vương ghi nhận khoản lỗ gần 39 tỷ đồng từ giao dịch nội bộ. Chi phí quản lý doanh nghiệp xuất hiện hơn 120 tỷ đồng dự phòng nợ phải thu khó đòi, chi phí này trước đó Hùng Vương không tự ghi nhận. Tại thời điểm 31/3/2019, giá trị dự phòng phải thu ngắn hạn khách hàng của Hùng Vương đạt gần 800 tỷ đồng.
Kết thúc nửa năm tài chính 2019, tổng giá trị nợ vay của Hùng Vương đạt 3.088 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn 2.964 tỷ đồng. Trong đó, Hùng Vương vay từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hơn 2.000 tỷ đồng, vay Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hơn 600 tỷ đồng đến hạn trả nhưng chưa thanh toán. Hùng Vương cho biết đã có công văn xin Vietcombank chấp thuận giãn hạn thời gian thanh toán nợ gốc trong vòng 8 năm tiếp theo.
Trước đó không lâu, HVG cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 (kỳ kế toán 1/10/2018 - 31/3/2019) với doanh thu thuần 1.302 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu từ 1/10/2018 đến 31/3/2019 đạt 879 tỉ đồng, giảm 60% và chiếm 33% tổng doanh thu; doanh thu nội địa thuần 1.768 tỷ đồng, giảm 36% chủ yếu đến từ thủy sản 1.048 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Do giá vốn hàng bán giảm 90% xuống 1.146 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp đạt 156 tỷ đồng, tăng 32%. Doanh thu tài chính 1,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 76 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm từ 111 tỷ đồng xuống 64 tỷ đồng Trong quý này, Hùng Vương ghi nhận lợi nhuận từ công ty liên kết, liên doanh âm 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 101 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý giảm 50%, 74% xuống lần lượt 54 tỷ đồng, 23 tỷ đồng. Lợi nhuận khác âm 1,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 15 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí, Hùng Vương ghi nhận lãi sau thuế hơn 6 tỷ đồng, trong khi kỳ năm trước ghi nhận âm 387 tỷ đồng.
Khoản thu ngắn hạn tăng gần 4.800 tỷ đồng
Đến ngày 31/3/2019, tổng tài sản của Hùng Vương đạt 8.827 tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm 1/10/2018. Trong đó, tiền và tương đường tiền giảm mạnh chỉ còn 124 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh; Hàng tồn kho 1.809 tỷ đồng, giảm 5% so với thời điểm đầu năm. Khoản phải thu ngắn hạn tăng 17% lên 4.753 tỷ đồng trong đó khách hàng trong nước 2.568 tỷ đồng, tăng 26%, chiếm 68%. Khoản phải thu khách hàng nước ngoài giảm mạnh từ 1.450 tỷ đồng xuống 1.227 tỷ đồng.
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 2.969 tỷ đồng, giảm 5% trong đó vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 1.936 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) 602 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (HDBank) 170 tỷ đồng...Vay dài hạn ở mức 118 tỷ đồng, giảm 13% đến từ khoản vay tại BIDV 33 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) 4 tỷ đồng và HDBank 18 tỷ đồng.
Về dòng tiền, lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh của Hùng Vương ghi nhận âm 107 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 557 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động tài chính có sự cải thiện khi âm 172 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 1.276 tỷ đồng. Hiện Hùng Vương có 5 công ty liên kết và một công ty liên doanh với giá trị còn lại là 672 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm do lỗ liên kết 109 tỷ đồng.