Hôm nay (11/11), Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) lần đầu tiên được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng gửi tới bạn đọc bài phát biểu của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về vấn đề này.
Việc xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư vào thời điểm này là hết sức cần thiết. Trước đây, cơ sở pháp lý của các hợp đồng PPP chỉ là một văn bản ở cấp Nghị định. Chúng ta đã có đến 336 hợp đồng PPP với tổng giá trị lên đến 1,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư, xấp xỉ tổng mức đầu tư công trong 5 năm qua, từ 2015 đến 2019.
Thời gian qua, nguồn lực lớn như vậy huy động được từ khối tư nhân đã giúp giải quyết rất nhiều điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Chúng ta có một giai đoạn nhiều năm liền không phải lo về chuyện thiếu điện, tình trạng tắc nghẽn giao thông làm tăng chi phí vận tải hàng hoá cũng được tháo gỡ nhiều.
Mặc dù nguồn lực lớn như vậy, nhưng do thời gian qua, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về đầu tư PPP vừa thiếu, vừa yếu đã dẫn đến một số dự án PPP gây bức xúc dư luận, điển hình như các dự án BOT Cai Lậy – Tiền Giang, BT Thủ Thiêm… Sự phản ứng của người dân tạo ra rủi ro cho các dự án PPP, bởi vậy mà vài năm qua, dòng tiền đổ vào PPP bị chững lại.
Như vậy, nhiệm vụ xây dựng Luật Đầu tư PPP lần này là phải làm sao vực dậy được dòng vốn tư nhân đổ vào cơ sở hạ tầng. Muốn làm được điều đó thì tôi kiến nghị tập trung vào 2 giải pháp sau: Bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và công khai minh bạch với người dân.
Bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư
Về nguyên tắc, các hợp đồng PPP là hợp đồng giữa Nhà nước và Nhà đầu tư. Hợp đồng này ràng buộc trách nhiệm của toàn bộ Nhà nước Việt Nam chứ không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của cơ quan hay người đại diện ký hợp đồng, trừ khi chứng minh được có gian dối khi ký hợp đồng. Đây là nguyên tắc được thừa nhận đương nhiên trong pháp luật hợp đồng và thực tiễn xét xử các tranh chấp hợp đồng PPP.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, nhiều chủ đầu tư phản ánh tình trạng thiếu tôn trọng hợp đồng PPP từ các cơ quan nhà nước. Một số cơ quan đưa ra yêu cầu với chủ đầu tư trái với nội dung hợp đồng và cho rằng hợp đồng đó do cơ quan khác ký nên không ràng buộc cơ quan mình. Điều này gây rất nhiều phiền toái cho các nhà đầu tư vì họ lại mất thời gian giải thích cho các cơ quan nhà nước pháp luật hợp đồng. Nguy hại hơn, thực tế này khiến môi trường đầu tư các dự án PPP tại Việt Nam rất rủi ro, khó thu hút nhà đầu tư.
Để tránh tình trạng này, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng nguyên tắc rằng các cơ quan, cán bộ nhà nước, dù đại diện ký hay không ký hợp đồng PPP đều phải tôn trọng nội dung của hợp đồng PPP và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng.
Có thể bạn quan tâm
11:32, 11/11/2019
08:21, 11/11/2019
10:39, 17/10/2019
17:05, 10/10/2019
Việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư không chỉ trong khâu thực thi pháp luật mà còn cả khi thay đổi pháp luật. Dự thảo hiện chưa có quy định về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật. Đây là một nội dung mà các nhà đầu tư rất quan tâm do sự khó tiên đoán của pháp luật Việt Nam. Điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư, tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư. Trong khi đó, các dự án PPP luôn đòi hỏi sự ổn định về môi trường đầu tư cao hơn rất nhiều.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật, với các nguyên tắc sau: Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành có quyền lợi và ưu đãi cao hơn thì nhà đầu tư được áp dụng văn bản pháp luật mới.
Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành có ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư thì nhà đầu tư được áp dụng văn bản pháp luật trước đó.
Nguyên tắc thứ hai này không áp dụng trong trường hợp thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Trong trường hợp nhà đầu tư phải áp dụng pháp luật mới theo quy định (3) thì được bồi thường. Nhà đầu tư phải có yêu cầu bằng văn bản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành.
Một vấn đề nữa cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều về quyền lợi của Nhà đàu tư là Bảo đảm của Chính phủ đối với dự án PPP quan trọng.
Cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nếu không có các cơ chế bảo đảm đầu tư thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các dự án có mức độ rủi ro cao. Tuy nhiên, nếu áp dụng cơ chế bảo đảm này thì Nhà nước nhận rủi ro về phía mình và nếu không có cơ chế quản lý rủi ro tốt thì có thể sẽ gây những hệ luỵ lớn cho ngân sách về dài hạn.
Quan điểm của tôi là Việt Nam vẫn có thể chấp nhận áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng. Tuy nhiên, Dự luật nhất thiết phải bổ sung các quy định để phòng ngừa và quản lý rủi ro của các biện pháp bảo đảm đầu tư này. Tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung một số quy định như sau: Khi đề xuất các biện pháp bảo đảm thì phải có báo cáo đánh giá rủi ro đối với ngân sách, trong đó lập các kịch bản rủi ro, khả năng xảy ra rủi ro và thiệt hại tối đa mà ngân sách phải chịu. Thiệt hại tối đa theo kịch bản xấu nhất được gọi là giá trị biện pháp bảo đảm.
Báo cáo đánh giá rủi ro này phải được Bộ Tài chính thẩm định, được Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định. Quy định về hạn mức bảo đảm đầu tư tối đa vào một thời điểm, theo đó, tổng giá trị biện pháp bảo đảm của tất cả các dự án không được vượt quá hạn mức này. Hạn mức này được xây dựng dựa vào khả năng chi trả của ngân sách và là một phần của kế hoạch tài chính trung hạn. Chế độ báo cáo, kiểm tra giám sát đối với các dự án có biện pháp bảo đảm đầu tư, đặc biệt là những nội dung có ảnh hưởng đến nghĩa vụ bảo đảm đầu tư của Nhà nước.
Cần tập trung là công khai minh bạch và lấy ý kiến
Thời gian qua, các dự án PPP bị người dân, dư luận xã hội phản đối thì một phần nguyên nhân rất quan trọng là chúng ta đã không có một cơ chế lấy ý kiến cộng đồng. Nếu người dân trong khu vực được biết thông tin sớm về vị trí đặt trạm thu phí từ khi dự án còn trên giấy thì chắc chắn họ sẽ có ý kiến, khi đó thì cơ quan nhà nước sẽ nhận được thông tin từ phía người dân để điều chỉnh dự án cho phù hợp. Chứ để đến khi dự án xây xong hết rồi, lúc đó người dân mới biết thông tin rồi phản đối thì hậu quả xã hội là rất lớn. Dự án BOT Cai Lậy là một ví dụ điển hình của việc không nhận được sự đồng thuận xã hội từ đầu nên giờ tiến thoái lưỡng nan.
Do đó, tôi đề nghị nhất thiết phải bổ sung một điều khoản về việc lấy ý kiến cộng đồng trước khi quyết định chủ trương và ký hợp đồng PPP, nội dung cụ thể như sau:
Cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương đầu tư phải lấy ý kiến cộng đồng bằng hình thức đăng tải thông tin về dự án và cách thức tiếp nhận ý kiến góp ý trên website của mình ít nhất 60 ngày trước khi trình cấp có thẩm quyền hoặc quyết định chủ trương đầu tư.
Đối với các dự án có nguồn thu trực tiếp từ người sử dụng thì cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương phải gửi văn bản lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp hoặc các tổ chức đại diện của họ. Ví dụ, các dự án đường bộ cần lấy ý kiến các doanh nghiệp vận tải, hiệp hội vận tải, người dân trong khu vực; các dự án sân bay cần lấy ý kiến các doanh nghiệp hàng không…
Nội dung thông tin cung cấp khi lấy ý kiến phải bao gồm thông tin cơ bản về dự án, những ích lợi mang lại cho người sử dụng, mức phí/giá, thời gian thu, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, dự thảo hợp đồng…
Các ý kiến đóng góp cho dự án phải được tổng hợp, giải trình và gửi kèm cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền ký hợp đồng.
Điều 11 của dự thảo đã quy định nhiều nội dung thông tin của dự án phải công bố, tuy nhiên, vẫn cần công bố thêm nhiều thông tin nữa để bảo đảm quyền giám sát của người dân. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các nội dung thông tin phải công bố gồm:
Công khai các hợp đồng PPP và cả phụ lục, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước, tài sản trí tuệ (các thông tin này được che mờ hoặc bôi đen). Công khai các báo cáo thẩm định dự án. Công khai các báo cáo hoạt động của dự án, công bố định kỳ sản lượng, doanh thu của các dự án thu tiền trực tiếp từ người dùng.