Những ý tưởng để hình thành "vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương" vừa chính thức công bố liệu có khả thi? DĐDN đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn về nội dung này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, “vùng đổi mới sáng tạo” chính là sự tiếp nối của những đề án thành phố thông minh đang và sẽ tiếp tục triển khai tại hầu hết các địa phương trên cả nước.
- Thưa ông như vậy, chúng ta đã có sự chuẩn bị các điều kiện để hình thành những “vùng đổi mới sáng tạo”?
Xây dựng và phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) đang là một xu hướng trên thế giới. Tại Việt Nam, Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018- 2025 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/2018 đã xác định các quan điểm, nguyên tắc về phát triển ĐTTM và 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Đến nay trên cả nước đã có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM.
Đơn cử như tại Hà Nội, Dự án đầu tư "Thành phố thông minh" tại huyện Đông Anh, Hà Nội (Quyết định chủ trương đầu tư số 3003/QĐ-UBND ngày 16/6/2018; tổ chức lễ động thổ dự án ngày 06/10/2019) với quy mô khoảng 271,45 ha.
Hay UBND TP HCM đã phê duyệt Đề án xây dựng TP HCM trở thành ĐTTM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, Thành phố đã triển khai Kho dữ liệu dùng chung trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở ngành. TP triển khai thí điểm kết nối, tích hợp dữ liệu các hệ thống camera giám sát, Trung tâm điều hành ĐTTM...
- "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương" có điểm gì khác biệt so với các mô hình thành phố thông minh trước đó, thưa ông?
UBND tỉnh Bình Dương vừa đưa ra những ý tưởng để hình thành “vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương”. Đây là sự tiếp nối của Đề án "Binh Duong Navigator 2021 - Đề án phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương, triển khai mô hình hợp tác ba nhà, hướng tới ĐTTM". Tỉnh Bình Dương đã chủ động hợp tác với đối tác Hà Lan triển khai xây dựng ĐTTM liên kết ba nhà - Triple Helix (nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp).
Vùng đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương không chỉ bao hàm nội dung về không gian địa lý (trong đó lấy khu vực thành phố mới Bình Dương, khu công nghiệp khoa học công nghệ... làm trọng tâm) mà còn hình thành các "cơ chế mềm" để khuyến khích các ý tưởng phát triển, khởi nghiệp.
- Để đầu tư phát triển từ ĐTTM đến Vùng đổi mới sáng tạo, chúng ta cần phải dựa vào các nguồn lực nào, thưa ông?
Nội dung đề án phát triển ĐTTM của các địa phương đều thể hiện rõ nguồn kinh phí đầu tư không chỉ từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong tổng kinh phí dự kiến của đề án, nguồn kinh phí dự kiến chủ yếu lấy từ nguồn xã hội hóa và nguồn vốn vay ưu đãi, chiếm từ 50% đến 90%.
Ngoài ra, chúng ta cũng hướng đến huy động nguồn lực và sự hỗ trợ từ quốc tế. Trong năm 2018, Việt Nam đã chính thức gia nhập Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN (ASCN). Chúng ta tham gia các hoạt động hợp tác mở rộng như hợp tác ASEAN - Nhật Bản, ASEAN – Hàn Quốc, Hà Lan, Vương quốc Anh… về ĐTTM.
- Ông đánh giá thế nào về những điểm còn hạn chế của các đề án, hiện nay?
Trước tiên, việc đầu tư phát triển các khu ĐTTM hay Vùng đổi mới sáng tạo chủ yếu mới ở bước thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Các dự án, đề án phát triển ĐTTM ở các địa phương chủ yếu tập trung nhiều vào các giải pháp công nghệ. Tính kết nối, cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị đang tiến hành xây dựng ĐTTM còn chưa cao. Đặc biệt, chúng ta chưa có hình thức liên kết, kết nối khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển ĐTTM, tiến tới là vùng đổi mới sáng tạo nên việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống hóa.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đồng bộ. Đây là những nguyên nhân khiến địa phương, doanh nghiệp lúng túng trong thực hiện đầu tư.
- Xin cảm ơn ông!
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương:
Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy thúc đẩy và xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững. Đây là nền tảng để xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh. Từ những kết quả đạt được trong thực hiện đề án xây dựng Thành phố thông minh thời gian qua, Bình Dương hoàn toàn có thể tiến thêm một bước nữa, xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC:
Tỉnh Bình Dương hướng tới xây dựng khu công nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên. Khu công nghiệp này sẽ là nơi thu hút các nhà đầu tư có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, mang lại giá trị gia tăng lớn. Sự chuẩn bị cho khu công nghiệp khoa học công nghệ đang được thực hiện nghiêm túc. Các thành tố của vùng đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương sẽ được kết nối đồng bộ với nhau, và hướng tới sự kết nối với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và toàn quốc, cũng như quốc tế.