Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên cần tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn trong phát triển, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi…
Miền Trung như chiếc đòn gánh, gánh 2 đầu đất nước. Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cũng bị thiệt hại lớn về kinh tế.
Quy mô kinh tế lớn suy giảm
Theo Bộ Kế hoạnh và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2020, GRDP của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ước giảm 3,22%, là vùng kinh tế trọng điểm duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ. Ba địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kỳ là Đà Nẵng (giảm 3,61%) tỉnh Quảng Nam (giảm 11,51%) và Khánh Hòa (giảm 12,02%).
Các tỉnh Tây Nguyên 6 tháng đầu năm tăng trưởng GRDP đạt 2,72%, đứng thứ hai sau Đồng bằng sông Hồng (3,74%) và cao hơn mức tăng trưởng của hầu hết các vùng kinh tế trọng điểm, không địa phương nào trong vùng có tốc độ tăng trưởng âm.
Tại buổi làm việc mới đây với các tỉnh, thành phố trọng điểm này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, Việt Nam đã kiểm soát được dịch COVID-19, với hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên như Đà Nẵng, Khánh Hòa... gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Song các địa phương thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19, nhất là chủ trương giãn cách xã hội, góp phần vào kết quả không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Những tháng qua, cả nước cùng đồng lòng thực hiện các mục tiêu phòng chống dịch bệnh, đồng thời tăng cường các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với sự kiên trì, liên tục của cả hệ thống chính trị nên đạt được kết quả khả quan.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước tăng trưởng 1,81%. Đây là con số thấp nhất của nước ta trong 10 năm qua, nhưng là cao nhất trong khu vực và trên thế giới do tác động của COVID-19. Trong thiệt hại chung của cả nước do COVID-19, thiệt hại ở các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên rất lớn. Đặc biệt, 3 địa phương có tăng trưởng âm là Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Một trong các địa phương bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù tăng trưởng âm, song Đà Nẵng đã thu hút được hơn 13.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 135 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng tập trung triển khai nhiều công trình trọng điểm, có ý nghĩa thiết thực về kinh tế, xã hội để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, chuẩn bị triển khai vùng kinh tế đêm để kích cầu, khôi phục du lịch nội địa.
Cần “nhanh chân hơn”
Khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn, với 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế và nhiều khu công nghiệp với hạ tầng tốt; lại nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh và có dải bờ biển đẹp. Vì vậy, Thủ tướng cho rằng sau khó khăn càng phải vươn lên mạnh mẽ hơn, không để nền kinh tế tăng trưởng trì trệ. Các địa phương phải vực dậy các loại hình kinh tế, loại hình doanh nghiệp, không được để đứt gãy nền kinh tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần nhanh chân hơn, tiến bước hợp tác cùng nhau phát triển. Đặc biệt, vực dậy các loại hình kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Chính quyền cùng hòa chung hơi thở, nhịp đập, cùng một tiếng nói để giải quyết tốt việc làm, tạo sinh kế mới, sinh khí mới, niềm tin cùng phát triển trong lúc thế giới và đất nước đang gặp khó khăn.
Trước tình hình trong bối cảnh mới, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các bộ, ban, ngành sớm tham mưu ban hành hướng dẫn việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, đồng thời, sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1-11-2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Đà Nẵng, phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW.
Nói về việc Bộ KH&ĐT đang dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các VKTTĐ, góp phần đẩy nhanh phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, trong đó giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nghiên cứu, xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT sớm nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Để đạt kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao trong năm 2020 và tạo điều kiện thuận lợi cho vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung, các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và vùng Tây Nguyên phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ, cơ quan tập trung thực hiện một số nội dung định hướng như: các tỉnh, thành phố vùng KTTĐ miền Trung, vùng Tây Nguyên và các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và trở thành một cực tăng trưởng của đất nước.
Thủ tướng lưu ý, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại thành phố Đà Nẵng, yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan vào địa phương mình. Riêng thành phố Đà Nẵng phải thực hiện giãn cách xã hội với các biện pháp mạnh để chặn đứng dịch bệnh, không để lây rộng ra cộng đồng, phải coi chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên quan trọng, cấp bách nhất cần dồn mọi nguồn lực để thực hiện.
Đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố cần kiên quyết trong việc tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội; kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, thu hút, đón đầu dòng vốn đầu tư từ nước ngoài dịch chuyển trên thế giới; tăng cường điều phối, kết nối và liên kết vùng, kết nối chuỗi giá trị; nghiên cứu, tranh thủ các điều kiện thuận lợi của các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) để đưa các sản phẩm thế mạnh vào chuỗi giá trị lớn toàn cầu. Đẩy mạnh phát triển mô hình quản lý, mô hình kinh tế hiện đại gắn với chính quyền điện tử và đô thị thông minh, đi đầu trong phát triển kinh tế số và kinh tế ban đêm.
Kỳ II: Hiến kế gỡ khó cho đầu tư công
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho các địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.
14:52, 18/07/2020
Liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Đầu tư chọn lọc
11:00, 26/06/2020
Liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Bước ngoặt từ Hội đồng vùng
16:30, 25/06/2020
Liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Cơ chế đặc thù để xây “cơ đồ” mới
11:00, 25/06/2020
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm
21:05, 09/06/2020