Được ví là “ngôi sao tăng trưởng” của ASEAN và toàn cầu trong những năm tới, theo nhiều định chế tài chính quốc tế đánh giá, Việt Nam đang sẵn sàng vươn mình với khí thế Phù Đổng.
Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia năng động bậc nhất châu Á cũng như thế giới, đã nhanh chóng nắm bắt xu thế chuyển đổi kép, lấy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh làm động lực quan trọng để phát triển. Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều nỗ lực đa chiều của Chính phủ trong việc bắt nhịp chuyển đổi kép.
“Năm 2025 sẽ là một năm bản lề bởi Việt Nam phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong năm tới, chẳng hạn như kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP 2 và tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế đạt 10%”, theo đánh giá của chuyên gia HSBC.
Brook Taylor, CEO Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, quỹ quản lý tài sản hơn 3,8 tỷ USD và đang hoạt động mạnh mẽ trên thị trường Việt Nam, cũng nhận định, Việt Nam sẽ trở thành “Con rồng kinh tế mới” của Châu Á, sẽ theo đuổi con đường tăng trưởng và phát triển giống những “Con rồng kinh tế” trước đó là Hàn Quốc và Trung Quốc trong vòng 20-30 năm tới, thậm chí có thể nhanh hơn.
Đồng thời, ông cũng đưa ra nhiều dữ liệu để minh chứng cho nhận định của mình. Trong đó, đáng chú ý theo Brook Taylor, một trong những rủi ro mà Việt Nam phải vượt qua và đang được minh chứng tích cực, chính là năng lực điều hành của Nhà nước. Đây cũng là yếu tố đã giúp Singapore đã trở thành “con rồng châu Á” trước đây.
Công cuộc cải tổ, “đổi mới lần 2” với yêu cầu tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước theo chủ trương của Đảng đặt ra và đang được Chính phủ, các cơ quan Bộ ngành tiến hành với tất cả quyết tâm, theo đó, được kỳ vọng sẽ là một trong những động lực để đưa đất nước tiến lên trên hành trình vươn tới sự thịnh vượng của mình.
Một bộ máy tinh gọn, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, vừa hiệu quả, vừa chống được tham nhũng hay lãng phí – vốn những thách thức khác vẫn đang “kéo chân” tốc độ của quá trình chuyển đổi kép và phát triển kinh tế, song hành cùng chiến lược thương mại tự do, tốc độ toàn cầu hóa rộng mở cùng năng lực của doanh nghiệp, ngày càng phải tăng cao ý thức cạnh tranh, hậu thuẫn cho mục tiêu đạt đến của hành trình.
“Thương mại tự do không chỉ có nghĩa là nhập khẩu và xuất khẩu. Nó còn nằm ở triết lý và thái độ rằng Việt Nam có thể cạnh tranh với thế giới”, CEO Vina Capital nhìn nhận.
Bộ máy quản lý sẽ “lột xác” sau cải tổ. Doanh nghiệp sẽ vượt thoát khỏi tư duy Nhà nước bảo hộ và thái độ “chúng ta có thể cạnh tranh”, cũng có thể ví là một cách mạng về tư duy, để tạo ra khí thế khác. Khi thoát khỏi tư duy bảo hộ, quá trình vươn mình với khí thế Phù Đổng đã bắt đầu. Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã gọi tên đó sẽ là “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Những cánh cửa đầu tiên của bước chạy đà từ công cuộc đổi mới lần 2 đang lần lượt mở. Chúng ta gõ cửa năm 2025 và cần hoàn thành đẹp nhất những bước chạy đầu tiên. Một viễn cảnh đổi thay về mức tăng trưởng trung bình trong dài hạn qua từng giai đoạn, giai đoạn sau sẽ càng cao hơn giai đoạn trước sẽ nhanh hơn, rút ngắn hơn khi tâm thế thực sự sẵn sàng, tất cả cùng hướng về phía trước ngay từ khi khởi động.