Sau 3 cuộc họp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" (PHEIC).
Như vậy, viêm phổi do chủng virus corona mới (2019_ nCoV) trở thành dịch bệnh thứ 6 được WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu trong lịch sử.
WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu đối với sự lây lan của virus corona bên ngoài Trung Quốc, mô tả đây là sự bùng phát chưa từng có tiền lệ.
Hiện, số người tử vong vì dịch bệnh này được xác nhận lên tới con số 213 trường hợp, tất cả đều ở Trung Quốc.
Có 9.480 ca nhiễm bệnh được xác nhận trên thế giới. Tổng số ca nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc lên tới 98 ca ở 21 nước. Mới nhất là Ấn Độ và Philippines.
"Trong các tuần vừa qua, chúng tôi đã chứng kiến tình trạng khẩn cấp của một mầm bệnh chưa từng biết trước đó và bùng phát chưa từng có tiền lệ. Và mầm bệnh này cũng đã được nhiều nước phản ứng cũng theo cách chưa từng có tiền lệ", Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói tại họp báo.
"Hãy để tôi nói rõ, việc tuyên bố này không có nghĩa là chúng tôi không tin tưởng Trung Quốc. Việc chúng tôi lo ngại nhất là khả năng virus này lan truyền đến các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém hơn", Tổng giám đốc WHO nói.
Theo hãng tin Reuters, thông qua tuyên bố PHEIC, WHO sẽ đưa ra các lời khuyên, gợi ý cho các quốc gia trong việc chống dịch bệnh, bao gồm ngăn chặn hoặc giảm các ca lây nhiễm xuyên biên giới, tránh các hoạt động thương mại và du lịch không cần thiết.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO lại nhấn mạnh rằng chẳng có lý do gì để hạn chế các hoạt động du lịch hoặc thương mại với Trung Quốc vì virus corona.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 31/01/2020
22:10, 30/01/2020
16:22, 30/01/2020
14:30, 30/01/2020
Trước đó, hôm 29/1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ủy ban khẩn cấp gồm 16 chuyên gia y tế hàng đầu thế giới sẽ tiếp tục nhóm họp để quyết định có nên đưa ra cảnh báo khẩn cấp toàn cầu đối với dịch bệnh mới. Cùng ngày, các quan chức WHO cũng công nhận tốc độ lây lan của virus corona mới ở trong và ngoài Trung Quốc "là vấn đề rất đáng lo ngại".
Trong lịch sử, 5 trường hợp được WHO ban bố tình trạng khẩn cấp là dịch SARS 2002-2003 đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 người và ghi nhận hơn 8.000 trường hợp nhiễm bệnh.
Sau đó là dịch cúm lợn năm 2009, hay còn gọi là virus cúm A H1N1. Tiếp đó là 2 tuyên bố vào năm 2014, một tuyên bố liên quan đến dịch Ebola ở Tây Phi và một tuyên bố khác liên quan đến bệnh bại liệt ở Pakistan, Cameroon, Syria...
Virus Zika ở Brazil được tuyên bố là tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế vào năm 2016, trong khi dịch Ebola được đề cập trước đó tại Cộng hòa Dân chủ Congo được tuyên bố là một trường hợp khẩn cấp công cộng toàn cầu vào tháng 7 năm ngoái.
PHEIC được WHO định nghĩa là "một sự kiện bất thường" "tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan của bệnh quốc tế" và có khả năng cần phải có "phản ứng quốc tế phối hợp". Khi tuyên bố dịch bệnh khẩn cấp, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sẽ được phép đưa ra khuyến nghị về việc kiểm soát sự lây lan của virus corona trên toàn cầu. Điều này cũng có thể bao gồm các khuyến nghị liên quan đến du lịch, ví dụ như việc cấm các hoạt động giao thương, du lịch ở đất liền, sân bay quốc tế... Bởi lẽ, trên lý thuyết, điều này cũng có thể dẫn đến sự gia tăng nguy cơ lây nhiễm coronavirus từ cộng đồng quốc tế. |