Nhiều chuyên gia khẳng định việc xã hội hóa dịch vụ công là một trong những giải pháp để cơ quan nhà nước tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý.
Có thể bạn quan tâm
17:40, 23/05/2019
19:08, 21/05/2019
00:10, 18/05/2019
13:38, 15/05/2019
Nhà nước còn nắm quá nhiều dịch vụ
Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc Công ty Monitor Consulting - doanh nghiệp tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực phát triển hạ tầng thì “hiện nhà nước còn nắm quá nhiều dịch vụ cần giao cho tư nhân”.
Theo Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chứng minh việc Nhà nước còn “ôm” quá nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành mà chưa chuyển giao tích cực cho khối doanh nghiệp tư nhân. Vẫn có quá nhiều loại hàng hóa do cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện như hoạt động kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu, kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu. Trong khi một số bộ đã ủy quyền hoặc chỉ định cho nhiều doanh nghiệp, đơn vị ngoài nhà nước thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành khác.
“So sánh các hoạt động kiểm tra chất lượng đã được chuyển giao cho tổ chức giám định/chứng nhận sự phù hợp thực hiện và hoạt động mà Nhà nước độc quyền thấy về cơ bản không có điểm gì khác biệt đáng kể về tính chất kiểm tra. Do đó cần giao cho tư nhân kiểm tra chất lượng hàng hóa mà Nhà nước đang giữ độc quyền thực hiện”, Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 chỉ rõ.
Nói về vấn đề xã hội hóa dịch vụ công, ông Nguyễn Văn Đệ lấy ví dụ trong ngành du lịch. Theo ông Đệ, 20 năm trước mỗi bộ đều có một khách sạn ở vị trí đắc địa. Nay Thủ tướng không cho đầu tư nữa thì những nơi đó kinh doanh không tốt nhưng họ vẫn tận dụng lợi thế là Nhà nước, cơ quan thuế không dám vào.
“Bây giờ cán bộ nhà nước có tiêu chuẩn rồi, đi công tác ngủ ở đâu thì đem hóa đơn về thanh toán, cần gì các bộ phải có khách sạn nữa. Vừa rồi Bộ KH&ĐT gương mẫu trả một số khách sạn, các bộ cũng nên như vậy. Tại sao các bộ cứ ôm làm gì. Tôi đã có văn bản đề nghị thu lại các khách sạn này và tổ chức đấu giá để doanh nghiệp đầu tư. Khách sạn tư nhân thì rất đẹp, đến khách sạn trung ương thì lụp xụp…” - ông Đệ nhận xét.
Ông Đệ cũng nhìn nhận Thủ tướng nói rất đúng nhưng có khi trên nói một đằng, dưới lại làm một nẻo. Chẳng hạn Luật Khám chữa bệnh đang chuẩn bị ban hành, dù Chính phủ cấm ra giấy phép con nhưng trong đó cũng lồng nhiều lắm. Nào là kinh nghiệm năm năm, nào là chế độ quản lý, rồi quá trình thẩm định… Ngay cả việc từ thiện, tư nhân muốn làm không phải dễ, bởi người ta bảo “không phải việc của các anh!”.
“Thủ tướng thì bận, doanh nghiệp suốt ngày nhắn tin cho Thủ tướng, Thủ tướng cũng khổ. Doanh nghiệp suốt ngày khóc lóc nhưng không biết tiếng khóc có lên được Thủ tướng không. Chúng ta phải mạnh dạn xã hội hóa, tin tưởng doanh nghiệp để đưa ra được chính sách tốt. Nhiều dịch vụ công nên để cho các hội, hiệp hội làm. Cán bộ làm khó tốt được”, ông Đệ khẳng định.
Giao cho tư nhân theo cách nào thì hợp lý?
Ông Trần Duy Hưng nhận xét: “Cách nhà nước giao cho tư nhân các dịch vụ công hiện đang có vấn đề”. Hình thức giao là cấp phép cho các tổ chức kiểm định được Nhà nước lựa chọn? Giao bằng hợp đồng hay giao bằng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cung cấp dịch vụ... là chưa rõ.
Theo ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam thì tâm lý của những người làm trong bộ máy chính quyền là do chi tiêu công nên ưu tiên cơ quan kiểm định, giám sát phải là đơn vị nhà nước. Ví dụ, bán tài sản công sẽ nghiêng về hướng chọn các đơn vị thẩm định giá công. Tất nhiên, tư duy này đang dần thay đổi nhưng vẫn tồn tại rất lớn ở bộ máy nhà nước, tạo nên cạnh tranh không sòng phẳng giữa các doanh nghiệp tư nhân và các đơn vị sự nghiệp công lập, làm dịch vụ. Đó là chưa kể đến việc giao không rõ chỉ là một cách để người có chức quyền trong bộ máy chuyển dịch vụ công qua các công ty “sân sau” tư nhân.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam cho rằng: “Xã hội hóa dịch vụ khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay là “nửa vời”, gây trở ngại lớn thúc đẩy tư nhân đầu tư”. Là Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert, ông Dũng và các cộng sự e ngại nhất là tính rủi ro của pháp luật. Như trước ngày 2-2-2018, thực phẩm phải công bố hợp quy và kèm theo có dịch vụ chứng nhận hợp quy. Nghị định 15/2018 đã loại bỏ việc công bố hợp quy để cải cách hành chính. Hàng loạt các doanh nghiệp đầu tư nhân lực và máy móc làm dịch vụ này thất nghiệp và mất vốn đầu tư. Hoặc các tổ chức thử nghiệm muốn cung cấp dịch vụ phải đăng ký từng phép thử đối với cơ quan quản lý nhà nước, nộp cả ngàn trang phê duyệt phương pháp mà chẳng giải quyết được vấn đề gì vì các tổ chức này muốn thử nghiệm phải có năng lực được công nhận bởi tổ chức công nhận độc lập .
Còn theo ông Micheal Greene, Giám đốc Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho rằng để các dự án công tư được vận hành hữu hiệu, Việt Nam cần thúc đẩy môi trường cạnh tranh bình đẳng, thông qua quy trình mua sắm đấu thầu cởi mở. Nhà nước chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực cốt lõi, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho đất nước.
Đồng thời, ông Micheal Greene cũng kỳ vọng vào Luật về hợp tác công tư (Luật PPP) đang được triển khai soạn thảo, tạo khuôn khổ pháp lý PPP hiệu quả để phát huy tính sáng tạo của khu vực tư nhân và thu hút nguồn lực vào phát triển đất nước với trọng tâm phục vụ người dân Việt Nam.