[XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 2) "Đòn bẩy" phát triển năng lượng quốc gia

Nguyễn Việt thực hiện 27/02/2020 11:14

Nghị quyết 55 khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đã làm thay đổi suy nghĩ chỉ có DNNN mới là "đòn bẩy" phát triển năng lượng.

Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ký ban hành ngày 11/2/2020. Đây được xem là bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia và là “chìa khóa” mở ra sự thuận lợi hút nguồn lực tỷ USD từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực điện năng...

Trao đổi với Phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Nguyễn Mạnh Hiến - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, khẳng định Nghị quyết 55 khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã làm thay đổi suy nghĩ chỉ có DNNN mới là "đòn bẩy" phát triển năng lượng.

TS. Nguyễn Mạnh Hiến - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng. Ảnh: Nguyễn Việt

TS. Nguyễn Mạnh Hiến - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng. Ảnh: Nguyễn Việt

- Ông có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình về Nghị quyết 55?

Tôi có mấy điểm tâm đắc với Nghị quyết số 55. Thứ nhất, trong Nghị quyết có nêu lên vấn đề tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả. Tiết kiệm năng lượng là một hình thức đầu tư rẻ nhất. Nếu đầu tư 1kwh để tiết kiệm năng lượng sẽ chỉ bằng ¼ đầu tư để sản xuất ra 1kwh đó.

Có thể bạn quan tâm

  • [XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 1) Lực hút nguồn lực tỷ USD

    04:01, 26/02/2020

  • Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nghị quyết 55 cần quan điểm tiếp cận mới

    03:00, 27/02/2020

  • Cơ hội mới cho năng lượng tái tạo

    11:00, 25/02/2020

  • “Làn sóng” đầu tư vào năng lượng tái tạo

    11:00, 17/02/2020

  • Đầu tư vào thủy điện: Cơ hội thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

    20:56, 16/01/2020

  • Doanh nghiệp năng lượng tái tạo gặp khó bởi hành lang pháp lý

    00:00, 25/12/2019

Thứ hai, vừa đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước nhưng không gây ô nhiễm môi trường. Muốn làm được điều này thì chỉ còn cách phát triển nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… Với điện sinh khối được thu gom từ rác thải, phụ phẩm nông nghiệp…gom lại trong 1 năm Việt Nam cũng có tới 150 triệu tấn để phục vụ cho điện sinh khối.

Thời gian tới Việt Nam sẽ phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, giảm dần nhiệt điện có sử dụng nguyên liệu hóa thạch, ví dụ như than. Đây là nguồn phát ra khí CO2 nhiều nhất. Trong Nghị quyết 55 có nói đến việc Việt Nam phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính khoảng 15% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045.  

- Một điểm nhấn được đặt ra trong Nghị quyết 55 là đẩy mạnh khuyến khích tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường phát triển năng lượng. Thị trường này từ trước đến nay chủ yếu do EVN thực hiện, còn năng lượng chủ yếu do các tổng công ty nhà nước như than, dầu khí, điện lực…Tuy nhiên, phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong Nghị quyết 55 lại chú trọng đến việc tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp từ nhà nước đến tư nhân cùng bình đẳng trong việc phát triển nguồn năng lượng để cung cấp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đơn cử, các dự án điện mặt trời được xây dựng thời gian qua chủ yếu do tư nhân trong và ngoài nước đầu tư. Thời gian tới sẽ tiếp tục khuyến khích họ đầu tư vào điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…Với thủy điện nhỏ cũng đã có mặt nhà đầu tư tư nhân, điện sinh khối hiện nay chưa phát triển nhưng tư nhân cũng sẽ vào đầu tư nếu chúng ta có chính sách hấp dẫn.

Từ trước đến nay, chúng ta luôn suy nghĩ doanh nghiệp nhà nước phải là đòn bẩy phát triển năng lượng, nhưng trong Nghị quyết 55 khẳng định tất cả các loại hình doanh nghiệp đều bình đẳng, khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Thời gian tới còn có khả năng sẽ tư nhân hóa các lưới điện phân phối trong phạm vi hẹp. Khi đó, có thể giá bán điện sẽ thay đổi.

- Trên thực tế, lĩnh vực độc quyền nhà nước như truyền tải cũng dần xuất hiện bóng dáng của tư nhân, thưa ông?

Nếu chúng ta cho phép tư nhân tham gia vào khâu truyền tải điện thì cũng rất tốt. Vì như vậy sẽ đỡ cho ngân sách nhà nước không phải đầu tư vào khâu truyền tải, còn chính phủ cũng không phải đi vay vốn nước ngoài để xây dựng.

Cái được lớn nhất khi tư nhân đầu tư vào đây là sẽ dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Khi không còn độc quyền thì nhà đầu tư sẽ phải cân đối lợi ích của mình và nhu cầu của người tiêu dùng. Lúc này, người tiêu dùng sẽ được tôn trọng và được khuyến khích sử dụng các nguồn điện khác nhau một cách hợp lý và tối ưu hơn.

- Để đón đầu Nghị quyết 55, việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh tốt sẽ có những thuận lợi và được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu lộ trình bán buôn, bán lẻ điện cạnh tranh có đúng tiến độ khi còn nhiều vướng mắc, khó khăn?

Theo tôi được biết, việc điện bán buôn đã thực hiện theo cơ chế thị trường từ nhiều năm nay, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử, bán buôn nhưng không phải được giao bán toàn bộ công suất của các nhà máy điện, mà bị khống chế theo tỉ lệ phần trăm. Việc điều tiết mua bán sản lượng điện vẫn do EVN quyết định. EVN có công ty mua bán điện, điều độ quốc gia…đây là những khâu liên quan đến thị trường nhưng đều do EVN quản lý.

Chính phủ cũng như Bộ Công Thương có quyết tâm rất cao, sẽ sớm chuyển sang bán lẻ điện cạnh tranh. Nhưng việc này còn phụ thuộc vào EVN, đó là khâu điều độ và công ty mua bán điện. Do đó, muốn có thị trường mua bán điện cạnh tranh thì cần nhanh chóng tách các đơn vị này ra khỏi sự điều hành của một doanh nghiệp nhà nước, thành các doanh nghiệp độc lập vận hành theo cơ chế thị trường.

- Bên cạnh đó, đẩy mạnh cổ phần hóa cũng là một giải pháp quan trọng thu hút tư nhân vào năng lượng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại khó khăn trong việc cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty trong ngành điện, cũng như dầu khí...Theo ông, thực tế này có gây khó cho việc thu hút vốn tư nhân?

Việc cổ phần hóa 3 tập đoàn năng lượng “đầu đàn” của Việt Nam, như EVN, TKV, PVN đều báo cáo đã cổ phần hóa đúng tiến độ, nhưng thực tế việc cổ phần hóa tại 3 doanh nghiệp này vẫn còn hình thức.

Việc cổ phần hóa còn trì trệ dẫn theo việc thu hút tư nhân đầu tư vào phát triển ngành điện cũng sẽ bị chậm lại. Do đó, hai việc này phải đi song song với nhau, tức là cổ phần hóa mạnh mẽ sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân được tham gia. Lúc đó, thị trường năng lượng mới có “cửa” phát triển.

TS. Nguyễn Mạnh Hiến: Để thu hút nhà đầu tư vào ngành điện, chúng ta nên khuyến khích hình thức BOT. Đầu tư BOT vào ngành điện sẽ mang lại nhiều hiệu quả. Đơn cử, vốn BOT là của nhà đầu tư, dự án sẽ sử dụng luôn nguyên liệu trong nước, vận hành theo điều độ của EVN… Đặc biệt, những nhà đầu tư BOT phần lớn của nước ngoài, họ rất mạnh về vốn và công nghệ. Các yêu cầu về kỹ thuật khi kiểm tra luôn được bảo đảm an toàn.

Trân trọng cảm ơn ông!

[XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 3) Doanh nghiệp tư nhân nói gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[XÃ HỘI HOÁ PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG] (Kỳ 2) "Đòn bẩy" phát triển năng lượng quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO