Xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế mới tại Việt Nam

Khắc Lãng 19/09/2019 17:00

Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, nguyên lý của tái cơ cấu nền kinh tế là phải phát huy vai trò của cả Nhà nước và cả thị trường.

Thị trường phải có sức mạnh tự thân có thể tái cơ cấu nền kinh tế một cách tự nhiên. Các chuyên gia, học giả trong nước cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn chậm cải cách. Chính phủ ra nhiều Nghị quyết, chính sách về cải cách doanh nghiệp Nhà nước, về tái cơ cấu khu vực công. Tuy nhiên, thực thi chính sách yếu kém và hiệu quả thấp.

Nhận định trên được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020” vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trungương (CIEM) và Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform) tổchức.

Tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng vốn đầu tư

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, một trong những biểu hiện thay đổi cách thức tăng trưởng rõ nét nhất là đạt mục tiêu tăng trưởng mà không cần phải khai thác thêm dầu, than đá và một số loại khoáng sản khác ngoài kế hoạch dự kiến như một số năm trước đây. Trong giai đoạn 2011 - 2018, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thành phần kinh tế khác.

Mặc dù vậy, nguồn thu ngân sách chưa bền vững, chi ngân sách ở mức khá cao, mất cân đối. Vốn cho nền kinh tế vẫn tiếp tục dựa chủ yếu vào tín dụng ngân hàng... “Nhìn một cách tổng thể cơ cấu kinh tế còn kém năng động, không có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu ngành, sản phẩm xuất – nhập khẩu, thị trường xuất khẩu…. Chưa có các ngành nghề mới, sản phẩm mới nổi lên và có đóng góp nhận thấy được, đo lường được đối với tăng trưởng kinh tế”, ông Cung nhận định.

Quan trọng là cải cách thể chế thực chất

Nguyên nhân của việc tái cơ cấu chưa thành công, ông Cung cho rằng, cải cách thể chế, nhất là thể chế phân bổ nguồn lực và các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế không được tiến hành nhất quán, toàn diện, đủ rộng và đủ mạnh. Hàng loạt các chủ trương, định hướng cải cách hợp lý và đúng đắn trong các nghị quyết của Đảng đã không được triển khai thực hiện. Đặc biệt, nguyên nhân sâu xa là không thay đổi tư duy, không cải cách chuyển đổi dứt khoát sang kinh tế thị trường.

p/Tăng trưởng GDP và lạm phát qua các năm.

Tăng trưởng GDP và lạm phát qua các năm.

Theo ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT): Nếu coi trạng thái kinh tế bình thường thì tái cơ cấu là điều làm liên tục, luôn luôn. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, kinh tế có nhiều dấu hiệu bất ổn, thì tái cơ cấu cần có thời gian kết thúc, lộ trình kết thúc để biết có hiệu quả hay không.

Cần một mô hình tăng trưởng mới

Chính vì những nhận định cho rằng tái cơ cấu kinh tế chưa như kỳ vọng, ông Cung khẳng định nguyên nhân đầu tiên là mô hình tăng trưởng của nền kinh tế về cơ bản chưa thay đổi. Do đó, ông Cung khẳng định, chắc chắn cần hệ thống đồng bộ các giải pháp từ tổng thể đối với toàn nền kinh tế đến giải pháp đối với từng ngành, lĩnh vực và vùng, địa phương.

Tuy nhiên, tại một cuộc hội nghị bàn về mô hình tăng trưởng kinh tế gần đây, ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định: cần định danh được mô hình tăng trưởng của Việt Nam sao cho dễ hiểu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Về nhiệm vụ tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, động lực để thực hiện tái cơ cấu là vai trò của thể chế, chính sách và pháp luật. Thứ hai là vai trò động lực của kinh tế tư nhân và của hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, tiến tới chấm dứt theo đuổi mô hình theo chiều rộng vì còn ít dư địa. Trong đó ưu tiên cho động lực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nhảy vọt ở một số lĩnh vực. Cần ưu tiên cho động lực kinh tế tư nhân, hỗ trợ các doanh nghiệp ĐMST và khởi nghiệp. Hoàn thiện thể chế thị trường và các thị trường cấu phần. Nâng cao năng lực quản trị của nhà nước và doanh nghiệp. Thúc đẩy tăng trưởng xanh và bao trùm. Phát triển kinh tế vùng và xây dựng liên kết vùng, tạo các cực tăng trưởng và phát triển bền vững…

Đây cũng là yếu tố quyết định nền kinh tế Việt Nam bước vào quỹ đạo phát triển bền vững. Từ đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào hai nội dung chính: Thứ nhất, đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, cải cách; Thứ hai, tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng Chính phủ Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế mới tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO