Xăng tăng như gió, xuống như rùa, công nhân được mùa khốn khổ

Bài: MINH TUẤN - Ảnh: TUẤN VỸ 30/06/2022 05:00

Giá xăng dầu tăng ở mức cao nhất mọi thời đại, đời sống công nhân, dân lao động bị đánh thẳng vào đầu tiên, tiếp đến là các doanh nghiệp vận tải hàng khách, hàng hóa, nghề cá…

>>Giá xăng dầu tăng "phi mã", 50% tàu cá nằm bờ

Em te tái vừa chạy vừa gọi tôi trong cái nắng xiên khoai cuối chiều nóng bỏng rát. Em dúi vội cho tôi cái túi đựng rau thơm vườn nhà, hổn hển thở, tay gạt mồ hôi trán vội vàng: "Em sợ rau nát nên chỉ rửa qua, bác về rửa lại nhé, em phải về ngay kiểu chậm xe buýt".

Tôi nhìn em chạy tất tả, lúp xúp, cụp cả cái ô xuống chạy cho nhanh dù trời còn nắng vì sợ xe chạy mất. Nắng nóng ngồi không còn vã mồ hôi, huống hồ mặc nguyên đồng phục chạy bộ trên đường bê tông bỏng rát thế này thì...

Tay cầm túi rau húng thơm, lá lốt, tía tô, diếp cá mà lòng trĩu nặng, tiếc cho bóng dáng cô bé xinh đẹp ngày nào. Gánh nặng cơm áo, gia đình đã biến em thành bà mẹ hai con đầy ắp nỗi lo toan vụn vặt.

Nhắn tin với em mới thấy công việc, gia đình cuốn hết thời gian sống của em. Em ngây thơ hỏi từ ngày 01/07/2022 thấy nói được tăng lương mà sao chưa thấy thông tin gì? Trời ạ, đó là tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho khối khác, còn với doanh nghiệp FDI áp dụng cao hơn mức lương tối thiểu rồi, thì không có điều chỉnh gì hết.

D

Dãy nhà trọ đơn giản, thiếu thốn đủ bề của công nhân. Ảnh: Tuấn Vỹ

Lương thì đứng yên còn giá thì bứt tốc. Công nhân, lao động lao đao, liêu xiêu trong cơn bão tăng giá, “giật gấu vá vai, kéo đầu hở đuôi” mà không có cách nào chi tiêu duy trì cho ổn. Số tiền hàng tháng như manh chiếu hẹp đắp ông khổng lồ, khéo ăn, khéo co thế nào cũng không đủ no, đủ ấm.

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến nồi cơm, manh áo của người lao động phổ thông hoặc công nhân viên sống bằng lương đơn thuần ở Việt Nam. Giá nhiêu liệu tăng như gió, xuống như rùa, đẩy tất cả chi phí sinh hoạt tăng theo. Đổ xăng xe thấy như bị móc túi vì trước đổ 60 ngàn nay phải đổ cả 100 ngàn. Ai đó còn ủng hộ chiến tranh thì đó là người đen tối, độc ác bởi chính vì cuộc chiến đó mà thêm bao nhiêu người nghèo bị vào mùa khốn khổ.

Như vợ chồng em, hai vợ chồng làm công ăn lương cho công ty nước ngoài, tổng thu nhập hai vợ chồng hàng tháng chừng 16 triệu. Nhưng do ảnh hưởng chiến tranh, dịch bệnh COVID-19, công ty bị thiếu nguyên phụ kiện phải giãn cách sản xuất, tuần làm việc có bốn ngày, tuyệt đối không tăng ca, thêm giờ, làm ngày nghỉ.

>>Doanh nghiệp mong hạ nhiệt giá xăng dầu, Bộ Tài chính nói gì?

>>"Bão" giá xăng dầu và nguyên liệu, doanh nghiệp càng "khát" vốn

>>“Hạ nhiệt” giá xăng, dầu: Đừng giảm thuế… “cho có”

Trước đây khi giá xăng tầm trên 20 ngàn, việc nhiều, chịu khó tăng ca, làm ngày nghỉ thì vất vả nhưng đủ chi phí, có thêm chút ít để ra. Bây giờ ngày nghỉ tính lương chờ việc lại phải tự lo chi tiêu ăn uống, số tiền cứ bị hụt âm vào.

f

Giá xăng dầu tăng ở mức cao nhất mọi thời đại, đời sống công nhân, dân lao động bị ảnh hưởng quá nhiều. Ảnh: Tuấn Vỹ

Để tiết kiệm chi phí tối đa, nhân dịp con nghỉ hè, cả nhà em về sống với ông bà ở quê để giảm chi phí sinh hoạt. Chấp nhận đi xe buýt, chứ đi xe máy thì tiền đổ xăng quá cao. Hai vợ chồng “thắt lưng buộc bụng” để con về ông bà ăn rau vườn nhà, cá dưới ao, chỉ mua thêm chút thức ăn và sữa. Nhưng giá sữa cũng vọt lên nên trẻ con cũng phải hạn chế uống sữa. Nếu ở lại nhà gần công ty, nghỉ chờ việc ở nhà riêng tiền điện, nước, sữa… cũng mất hơn ba triệu, đi lại xăng xe mất gần hai triệu, cứ cộng mỗi thứ một ít vào thì cuối tháng âm cả tiền lương.

“Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”, cho con về quê, tối đến thằng bé đạp xe đi chơi bị ngay cậu choai choai phóng ẩu xô vào, bị thương vùng đầu phải nhập viện. Sau chuỗi ngày chăm con vất vả, chả ai còn nhận ra cô bé xinh đẹp ngày nào, giờ trông xơ xác, tội nghiệp. Bữa ăn thì ngày càng đạm bạc, toàn rau đậu là chính, giá gas tăng cao, dùng bếp ga cũng tốn mà dùng bếp điện cũng kém. Cứ loay hoay như “gà mắc tóc” mà chẳng hết được khó khăn, thiếu hụt. Ông bà thương con cháu cũng chỉ giúp được việc trông nom, chứ kinh tế thì già rồi chẳng thể giúp được gì.

Giá xăng dầu tăng ở mức cao nhất mọi thời đại, đời sống công nhân, dân lao động bị đánh thẳng vào đầu tiên, tiếp đến là các doanh nghiệp vận tải hàng khách, hàng hóa, nghề cá… Không làm thì mất mối, mất lốt, còn cố làm thì “cắt máu”, chịu cảnh “càng làm càng lỗ”.

Có những thuyền ngư phủ sau một đêm vất vả đánh bắt hải sản hết năm, sáu triệu tiền dầu, số hải sản đánh bắt được bán đi chỉ dư ra hơn triệu chia cho cả tàu. Đúng là không bõ làm, không xứng với công sức bỏ ra.

Nếu không có biện pháp mạnh mẽ kìm chế lạm phát, hỗ trợ giảm giá xăng dầu thì không hiểu người dân lao động phải chịu khổ đến bao giờ? Nhìn cảnh bà cháu bồng bế nhau giữa trưa nắng ra gốc cây tránh nóng vì tiết kiệm không dám bật điều hòa, thật tội nghiệp, đánh vào lòng trắc ẩn của con người.

Nên chăng thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng dầu cần xem xét lại, khi giá càng tăng thì số thuế thu được càng cao. Việt Nam là nước nhập siêu xăng dầu khi xuất khẩu xăng dầu so với nhập khẩu là 28%. Thuế phí từ xăng dầu lên đến 30%. Liệu có nên giảm bớt thuế phí, chia sẻ gánh nặng với người dân, hay cứ để “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi?”.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch Quốc hội: Sẽ có thêm biện pháp kiềm chế giá xăng dầu

    10:06, 27/06/2022

  • Giá xăng dầu tăng "phi mã", 50% tàu cá nằm bờ

    14:32, 26/06/2022

  • Sửa Luật Giá: Đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu

    04:00, 26/06/2022

  • Doanh nghiệp mong hạ nhiệt giá xăng dầu, Bộ Tài chính nói gì?

    11:30, 25/06/2022

  • “Hạ nhiệt” giá xăng, dầu: Có thể xem xét sử dụng nguồn xăng dầu nhập khẩu trong nước

    04:00, 25/06/2022

  • "Bão" giá xăng dầu và nguyên liệu, doanh nghiệp càng "khát" vốn

    11:15, 23/06/2022

  • Cần sớm cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, hạ nhiệt giá xăng dầu

    04:30, 23/06/2022

  • “Trăn trở” với xăng dầu!

    05:00, 16/06/2022

  • Vì sao nên nghiên cứu bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?

    05:30, 15/06/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xăng tăng như gió, xuống như rùa, công nhân được mùa khốn khổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO