Du lịch

“Xanh hoá” du lịch: Giải pháp nào cho Nghệ An?

Hồng Quang 21/02/2025 10:44

Nghệ An sở hữu nhiều nguồn nguyên liệu quý để phát triển du lịch xanh. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi phải đưa ra những giải pháp đồng bộ.

“Nghệ An đang ở giai đoạn đầu của phát triển du lịch xanh, điều cần thiết bây giờ là nâng cao nhận thức và đào tạo về du lịch xanh cho cộng đồng, cán bộ chuyên môn, quản lý, từ đó hoạch định ra chiến lược thực hiện. Trước khi khai thác, chúng ta cần ứng xử “đẹp” với môi trường như cách mà các huyện miền Tây như Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong đã và đang làm”, ông Trần Xuân Cường – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết.

Khai thác tài nguyên hợp lý

Vườn Quốc gia Pù Mát nơi miền Tây Nghệ An vốn được xem là “vùng rốn” của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, nằm ở sườn Đông của dãy Trường Sơn với diện tích hơn 94.750ha, trải dài khắp 3 huyện vùng núi rẻo cao, bao gồm: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, còn phía Tây tiếp giáp với biên giới 2 nước Việt Nam - Lào.

Du lịch xanh Ảnh 3
Nghệ An đang tập trung phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

Nơi đây hội tụ phong phú tài nguyên thiên nhiên với hệ sinh thái giàu có, đa dạng sinh học cao và nét văn hóa bản địa đặc sắc. Do vậy, các địa phương hoàn toàn có thể kết hợp, xây dựng thành các điểm tham quan, các tour, tuyến du lịch liên huyện, liên vùng có tính kết nối, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Lấy ví điển hình như thác Khe Kèm tại huyện Con Cuông. Cứ vào mỗi dịp cuối tuần hoặc ngày lễ, nơi đây đón tiếp nhiều nhóm du khách đến tổ chức dã ngoại, chương trình thực tế. “Ngoại trừ quãng thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 thì số lượt khách ghé thăm thác Khe Kèm đều tăng theo từng năm, nhất là vào dịp nghỉ lễ 30/4 – 01/5 và 2/9. Năm 2024, lượng khách đến với thác Khe Kèm ước tính lên đến hàng chục nghìn lượt người”, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát thông tin.

Rời thác Khe Kèm, ngược lên tuyến Quốc lộ 7 đến khu vực xã Tam Đình, huyện Tương Dương, du khách có thể tham quan quần thể săng lẻ vô cùng độc đáo, với những cây săng lẻ cao đến 40m, thân màu trắng, được bàn tay tạo hóa xếp đặt trên diện tích gần 250ha, hình thành nên một không gian xanh, đẹp đến ngỡ ngàng. Hiện nay, rừng săng lẻ Tam Đình đã trở thành thắng cảnh du lịch quan trọng, là cơ sở để Nghệ An phát triển du lịch xanh.

Qua tìm hiểu được biết, cũng từ mô hình du lịch rừng săng lẻ Tương Dương, tỉnh Nghệ An đang nhân rộng thêm những cánh rừng du lịch sinh thái, trong đó tiêu biểu là rừng cây bản địa ở huyện Quỳ Châu nằm ngay dưới dốc Kẻ Lè, sát Quốc lộ 48, giáp ranh giữa 2 xã Châu Hội và Châu Hạnh. Hiện, nơi đây đang triển khai mô hình rừng cây bản địa - rừng cây đại đoàn kết, thu hút đông đảo khách du lịch tìm đến để check-in và trải nghiệm.

Ý thức “xanh” cho cộng đồng

Theo đại diện ngành Du lịch Nghệ An cho hay: Năm 2025 sẽ là một năm rất sôi động với nhiều sự kiện quan trọng, do vậy, ngành đã và đang đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, tập trung chú trọng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch chủ đạo nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của điểm đến, trên cơ sở phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh.

Du lịch xanh Ảnh 1
Du lịch xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên mà còn tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đứng trước những tác động xấu của quá trình “bê tông hoá” đã và đang để lại những hệ luỵ, đặc biệt là sự thay đổi, biến dạng của môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Một số khác đã làm thay đổi hiện trạng, không gian, môi trường sống tự nhiên của các làng bản, tộc người. Thực trạng này cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc phát triển du lịch Nghệ An theo hướng xanh, bền vững.

Về nội dung này, ông Trần Xuân Cường – Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: Nghệ An đang ở giai đoạn đầu của phát triển du lịch xanh, điều cần thiết bây giờ là nâng cao nhận thức và đào tạo về du lịch xanh cho cộng đồng, cán bộ chuyên môn, quản lý, từ đó hoạch định ra chiến lược thực hiện. Trước khi khai thác, chúng ta cần ứng xử “đẹp” với môi trường như cách mà các huyện miền Tây như Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong đã và đang làm.

Còn ở góc độ nhà đầu tư du lịch, bà Phạm Thị Thanh Hà - Tổng Giám đốc Công ty CP Song Ngư Sơn từng chia sẻ: Nghệ An có nhiều tiềm năng và thế mạnh, có nền văn hóa đặc trưng, với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử còn giữ được môi trường tự nhiên, sinh thái, nhiều sông, biển, hồ và núi rừng hùng vĩ, thuận lợi cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch xanh. Do vậy, Nghệ An phải hình thành chuỗi giá trị gắn kết bền vững, chặt chẽ giữa doanh nghiệp, khách hàng, đối tác cung ứng dịch vụ, cộng đồng địa phương để tất cả các bên cùng hưởng lợi ích lâu dài.

Cũng theo bà Hà, quá trình xây dựng mô hình du lịch xanh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.

Trong quá trình xây dựng cần sử dụng nguyên, vật liệu thân thiện với môi trường, hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên, không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất các sản phẩm du lịch, xây dựng các điểm thu gom rác thải đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Tiết kiệm điện, nước, nguyên, vật liệu, nhiên liệu trong quá trình vận hành; hướng dẫn nhân viên và du khách có ý thức trong tham gia bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Xanh hoá” du lịch: Giải pháp nào cho Nghệ An?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO