Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng mạng lưới đường cao tốc là quyết tâm rất lớn của Chính phủ, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 5.000km đường cao tốc.
Mới đây nhất tại cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc, do đó cần đầu tư thêm 3.000km nữa.
“Nguồn vốn đầu tư sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành bại của mục tiêu này. Ngoài nguồn vốn ngân sách, chúng ta phải tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách, đẩy mạnh thu hút vốn xã hội hóa vào đầu tư hạ tầng”, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) Phạm Hữu Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên trên thực tế, công tác thu hút, kêu gọi nguồn lực đầu tư theo hình thức công tư vẫn gặp nhiều rào cản. Ông Lưu Thanh Tiến, Tư vấn Giám sát trưởng Công ty Cổ phần tư vấn Công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng CONINCO cho biết, tại gói thầu số 11 đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (là dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông) đi qua địa phận Hà Trung, Thanh Hoá hiện đã có mỏ đất nhưng đến nay vẫn chưa được Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hoá cấp phép khai thác. Bên cạnh đó, công tác xử lý nền đất yếu cũng rất khó khăn.
Doanh nghiệp kiến nghị, muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc cần phải giải quyết nhiều vấn đề như giải phóng mặt bằng, điểm đổ thải và nguồn cung ứng vật liệu…
Không chỉ về vấn đề mặt bằng, theo TS Nguyễn Hồng Thái, Khoa Vận tải Kinh tế, Trường Đại học Giao thông Vận tải, trong quá trình thi công dự án cao tốc luôn gặp phải ách tắc trong giải phóng mặt bằng nên đã dẫn đến kéo dài thời gian và đội vốn.
Mặc dù nhận định mục tiêu hoàn thành 5.000km vào năm 2030 của Chính phủ là khả thi và phù hợp trong điều kiện hiện nay, tuy nhiên nhiều chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh vấn đề là phải lựa chọn được đúng các khu vực có nhu cầu lớn, quá trình triển khai xây dựng cần được thực hiện nhanh, đúng tiến độ để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư khó khăn, rất cần sự ủng hộ từ Trung ương đến các địa phương.
Do đó, chuyên gia nhận định, cần đẩy mạnh yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm tham gia bàn giao mặt bằng đúng tiến độ cho nhà thầu.
Cùng với đó, để thu hút các nguồn lực cho xây dựng mục tiêu 5.000 km cao tốc, chuyên gia cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là tiêu chí để chọn nhà thầu và việc tham gia của các tổ chức tín dụng vào việc đầu tư cao tốc.
“Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều biện pháp để tháo gỡ nguồn vốn cho các dự án đầu tư cao tốc. Do đó, cần làm rõ các tổ chức tín dụng, ngân hàng tham gia ở mức độ nào và cho vay ra sao. Khi mới triển khai BOT giao thông, các ngân hàng đã đổ xô vào đầu tư. Nhưng sau một thời gian BOT giao thông đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập về triển khai và thu phí nên các ngân hàng đã dừng lại và đã dẫn đến việc ách tắc về vốn”, TS Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh,
Trong khi đó việc đầu tư cao tốc không phải dự án nào cũng có mật độ giao thông giống nhau và hấp dẫn đầu tư như nhau, có những tuyến nằm trên hệ thống cao tốc nhưng lưu lượng xe thấp nên đã nảy sinh và cần phải tính toán.
Việc kết nối ra sao nếu chia nhỏ thì sẽ không là cao tốc, đây là bài toán khó cho nhà quản lý. Đặc biệt là 3 Bộ Tài chính, GTVT và KHĐT cần đưa ra các chính sách và quy hoạch cho các nhà thầu để họ yên tâm tham gia phát triển cao tốc.
Bên cạnh đó, giải pháp cho tăng trần nợ công, nhưng chỉ tập trung cho vay đầu tư hạ tầng cũng đang được xem xét. Mới đây, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ phát hành trái phiếu công trình đối với các dự án giao thông quan trọng. Đồng thời, sớm rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, để khi có nguồn vốn sẽ triển khai thi công một cách nhanh nhất.
Có thể bạn quan tâm
16:37, 12/04/2021
12:25, 30/09/2020