Xây dựng Chính phủ điện tử: Thách thức lớn ở yếu tố con người

Nguyễn Long 25/03/2019 01:05

Theo các chuyên gia, xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT) ngoài việc áp dụng công nghệ thì yếu tố con người cũng phải cần chú trọng.

Xây dựng chính phủ điện tử song hành với công nghệ là con người

Xây dựng chính phủ điện tử song hành với công nghệ là con người

Tăng cường nhận thức cho người dân

Theo bà Samia Melhem, Trưởng nhóm số hóa của Ngân hàng Thế giới, thách thức lớn trong việc triển khai chính phủ số, CPĐT không chỉ nằm ở công nghệ, mà nằm chính ở con người.

“Không chỉ chính phủ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới khác cần phải nỗ lực thông qua các khóa tập huấn, đào tạo, hướng dẫn giúp người dân hiểu các khái niệm về chính phủ số, CPĐT, nền tảng số, hạ tầng kỹ thuật số” – bà Samia cho biết.

Bên cạnh đó, Trưởng nhóm số hóa của Ngân hàng Thế giới cho rằng: “Chính phủ có vai trò đảm bảo cho người dân, doanh nghiệp, khu vực công nắm rõ và tiếp cận thông tin một cách cập nhật, đầy đủ cũng như đưa ra những chỉ dẫn cần thiết để người dân có thể tự trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản cho sự phát triển chung của toàn xã hội”.

Một trong những công cụ để thúc đẩy nhận thức cho công dân và cải thiện CPĐT đó chính là áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Diễn đàn toàn cầu Boston, tương lai của chính phủ số, CPĐT chính là trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo là một công cụ rất hữu hiệu để cải thiện CPĐT.

Trí tuệ nhân tạo giúp các chính phủ có thể ra được những quyết sách thông minh, khách quan, trung thực, rõ ràng. Công dân cũng được hỗ trợ bởi những hệ thống trung gian, từ đó quay lại đóng góp cho xã hội.

Để làm được điều đó, mỗi công dân phải đủ kiến thức, đủ hiểu biết, đủ chuẩn mực về các giá trị cơ bản của xã hội. Đó là những gì AI có thể đem lại và hỗ trợ cho việc hiểu biết cũng như ra quyết định. Xã hội trí tuệ nhân tạo cũng sẽ đưa ra các chuẩn mực chung để mọi người cùng tôn trọng.

Vẫn còn những rào cản

Rào cản hiện nay khiến nhiều người chưa thực sự tin tưởng vào chính phủ số, CPĐT đó chính là vấn đề đảm bảo quyền riêng tư. Bởi muốn xây dựng CPĐT, chính phủ số cần xây dựng kho dữ liệu cá nhân của công dân từ số thẻ căn cước, sổ hộ khẩu, sổ y tế….

Theo ông Steven Furt – Giám đốc chiến lược và kiến trúc công của FPT Việt Nam, “Điều mấu chốt là người dân có lòng tin vào pháp luật sẽ bảo vệ họ hay không, quan trọng hơn Việt Nam phải đảm bảo có một luật về quyền riêng tư".

Cũng theo bà Samia Melhem, dữ liệu cá nhân công dân không được phép chia sẻ, chính phủ pải đảm bảo được quyền lợi cho người dân đặc biệt là khi nền hành chính hiện nay còn phụ thuộc quá nhiều vào giấy tờ, thay vì nền tảng số.

Với những lo lắng về quyền riêng tư, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách của Tik Tok cho rằng, Việt Nam hiện có hai luật liên quan đến việc bảo vệ an toàn thông tin trên mạng đó là Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng.

Các nền tảng bắt buộc phải bảo vệ quyền riêng tư của người dùng nếu người dùng không có quyền riêng tư thì nền tảng đó không có độ tin cậy và hệ thống sẽ không thể hoạt động được. Nên bảo vệ quyền riêng tư là điều kiện bắt buộc các nền tảng phải thực hiện.

Giám đốc chính sách của Tik Tok cũng chỉ ra rằng, người dân cũng phải có trách nhiệm với những thông tin cá nhân của mình: "Phần lớn những thông tin riêng tư bị lộ, lọt lại đến từ chính hành vi của người dùng, do đó bản thân họ cần thay đổi nhận thức, cẩn thận hơn trong việc sử dụng các nền tảng" - ông Thanh cho biết.

Ông Lâm Thanh cũng cho rằng, việc bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật thông tin mạng đang vấp phải một số rào cản về pháp luật và công nghệ. Hiện nay nhà nước cần phải ban hành các hướng dẫn thực hiện và yêu cầu cụ thể để các nền tảng thực hiện.

Phải phân biệt mức độ riêng tư của từng loại dữ liệu, dữ liệu nào được phép chia sẻ, ai được quyền chia sẻ, chia sẻ ở mức độ nào, dữ liệu nào tuyệt đối không được chia sẻ. Cái đó phải quy định rất cụ thể. Ví dụ dữ liệu quốc gia cũng cần chia sẻ cho người dân và các cơ quan chính quyền sử dụng, nhưng cần phải có quy định rõ những dữ liệu này chia sẻ cho các cấp nào, ai có quyền truy cập, sử dụng các dữ liệu đó. Những điều này đòi hỏi phải được nhà nước hướng dẫn một cách hết sức chi tiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng Chính phủ điện tử: Thách thức lớn ở yếu tố con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO