Hải Phòng cần phấn đấu phát triển thành phố ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á, là thành phố Cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH, HĐH.
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hải Phòng chiều ngày 14/11. Tại đây, Tổng Bí thư cũng đã quán triệt, triệt khai thực hiện chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 96 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thành công đi cùng thách thức
Mục tiêu phát triển thành phố đến năm 2025 được xây dựng bám sát theo Nghị quyết số 45-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, dựa trên những thành tựu đã đạt được giai đoạn trước, Hải Phòng đã bước đầu cơ bản đưa nơi đây trở thành thành phố công nghiệp hiện đại.
Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã biểu dương Hải Phòng thời gian qua luôn nằm trong nhóm những địa phương thu hút FDI lớn nhất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh, hạ tầng giao thông khá đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao, không gian đô thị được mở rộng, thêm nhiều khu mới, văn minh. Về hạ tầng công nghiệp, hạ tầng du lịch, thương mại, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ.
Theo báo cáo, tỷ trọng giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp trong GRDP thành phố năm 2022 chiếm gần 48,86%, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế thành phố.
Bên cạnh đó, quy mô kinh tế của TP Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội và đứng thứ 5 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 của Hải Phòng đạt 7.960 USD đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Hải Phòng thuộc nhóm các địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước, thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của Hải Phòng tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, gấp 1,67 lần bình quân chung cả nước. Riêng năm 2023 đạt khoảng 104 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước chỉ sau TP. HCM và Hà Nội.
Hải Phòng hiện là một trong số 18 địa phương cả nước có đóng góp cho ngân sách Trung ương, với mức đóng góp thuộc nhóm đầu. Tính riêng 9 tháng qua, kinh tế - xã hội của địa phương phát triển toàn diện, tăng trưởng GRDP tuy chỉ có 9,77%, nhưng thu ngân sách và tăng trưởng xuất khẩu đều khá cao (đều tăng gần 30% so với cùng kỳ). Khách du lịch 10 tháng đầu năm cũng tăng 14,1% so với cùng kỳ…
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ: Thời gian qua, Hải Phòng đã đạt được những thành tựu mà nhiều địa phương khác chưa làm được khi cùng chung một bối cảnh và thể chế. Nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong nhiều lĩnh vực là sáng kiến của Hải Phòng, cần được tổng kết và có thể áp dụng cho nhiều địa phương. Điều này có được là nhờ Đảng bộ và Chính quyền TP Hải Phòng đã biết khơi dậy tinh thần “dám nghĩ - dám làm”, biết phát huy tiềm năng, chí khí, bản lĩnh, kiên nghị, thông minh và táo bạo vốn đã thành cốt cách của người Hải Phòng.
Tuy nhiên, bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hải Phòng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, vượt ngoài dự báo, ảnh hưởng tới kết quả thực hiện các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.
Tổng Bí thư chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ tăng trưởng GRDP đang chững lại và khó đạt mục tiêu. Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn chậm và hạn chế. Nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, tốn nhiều thời gian công sức của người dân và doanh nghiệp...
Cần nhiều nỗ lực
Muốn làm được điều đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt yêu cầu: “Hải Phòng phải phấn đấu trong nhiệm kỳ tới khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, đẩy nhanh hiện đại hóa. Thành phố cần phải tăng tốc đô thị hóa có chất lượng để tương xứng vai trò và vị thế của một thành phố trực thuộc trung ương và phải chủ động liên kết vùng, xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, một thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng tốc phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững hơn”.
Suốt thời gian qua, để sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp hàng đầu cả nước, Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 07/4/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hải Phòng tiếp tục thu hút được các dự án có công nghệ cao trong lĩnh vực điện, điện tử, có những sản phẩm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như: máy phát điện gió, dây dẫn điện, phụ tùng ô tô, điện tử, điện lạnh… phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong từng sản phẩm.
Bên cạnh đó, các khu, cụm công nghiệp được xây dựng đồng bộ về hạ tầng, góp phần phát triển công nghiệp theo hướng tập trung, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Điển hình như Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với cơ sở hạ tầng được đầu tư dài hạn, có hiệu quả thu hút vốn đầu tư năm ngoái đạt 1,81 triệu USD/ha, cao nhất cả nước, hiệu suất thu ngân sách đứng đầu, có tỷ lệ đóng góp ngân sách nhà nước từ khi thành lập đạt 11,82%. Đây thực sự là động lực tăng trưởng lớn, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và sự phát triển bứt phá của Hải Phòng với sự hiện diện của rất nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như các dự án của Tập đoàn LG, VinFast, Bridgestone.
Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển các khu kinh tế ven biển tại Nghị quyết số 45-NQ/TW, Nghị quyết 30/NQ-TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, với tinh thần quyết liệt, nỗ lực cao nhất, tăng tốc, thành phố đã gấp rút nghiên cứu, hoàn thành Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam để trình Trung ương xem xét, phê duyệt trong năm 2024.
Với bao gồm mô hình khu thương mại tự do thế hệ mới, Khu kinh tế thứ hai sẽ là không gian phù hợp, khả thi để vận dụng các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới. Đồng thời sẽ mở rộng dư địa phát triển bứt phá, góp phần hiện thực hóa những mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng và phát triển Hải Phòng và cả vùng đồng bằng Sông Hồng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng bày tỏ, Hải Phòng cũng phối hợp đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, sớm đưa vào sử dụng các công trình quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội. Thành phố cũng chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, chủ động nghiên cứu đầu tư xây dựng đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2; nâng cấp, cải tạo các tuyến hành lang đường thủy nội địa qua địa bàn thành phố; triển khai thực hiện xây dựng các bến số 5, 6, 7, 8. Đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư đối với các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng các bến cảng khởi động của Cảng Nam Đồ Sơn.
Hải Phòng đã và đang đẩy mạnh quá trình số hóa, kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia tới người dân, doanh nghiệp, xây dựng trung tâm điều hành thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, hỗ trợ, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ số góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động trong và ngoài địa phương.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Hải Phòng phải quy hoạch và lập kế hoạch tốt hơn cho tương lai; quyết tâm theo đuổi mục tiêu. Thành phố muốn thành công phải có chiến lược phát triển sáng suốt, bộ máy công quyền xuất sắc và được người dân tin tưởng. Lòng tin của người dân là tài sản và là động lực lớn nhất”.