Đây là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ tổ chức, 2 nội dung trọng tâm được bàn thảo là tự chủ công nghệ và chuỗi cung ứng.
>>>Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nâng cao vai trò DNNN trong xây dựng nền kinh tế tự chủ
Chủ trì họp báo, ông Nguyễn Thành Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn cho biết, đại dịch COVID-19 xảy ra đã ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu. Đại dịch cũng tác động mạnh mẽ, theo nhiều chiều hướng khác nhau tới mọi mặt kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Một mặt, COVID-19 làm bộc lộ rõ hơn những vấn đề còn tồn tại, đặt ra nhiều thách thức lớn cần phải khắc phục của nền kinh tế; mặt khác cũng mở ra những cơ hội, chiều hướng phát triển mới hướng tới mục tiêu vừa ứng phó với dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo đời sống nhân dân.
“Trong bối cảnh đó, yêu cầu cần tiếp tục thực hiện hiệu quả và thực chất cơ cấu lại nền kinh tế được đặt ra một cách cấp thiết, giúp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong trung và dài hạn”, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Để có căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh mới, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với Chính phủ tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết Diễn đàn sẽ trao đổi ý kiến, chia sẻ quan điểm về nội hàm nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đồng thời đề xuất chủ trương, giải pháp lớn cho việc xây dựng năng lực tự chủ nền kinh tế. Đề xuất các cách tiếp cận giữa xây dựng nền kinh tế tự chủ và hội nhập trong tình hình mới.
“Trong đó, tự chủ về công nghệ và thị trường trong nước là 2 nội dung trọng tâm của Diễn đàn. Cụ thể, tự chủ công nghệ là “trụ đỡ” của chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Còn xây dựng thị trường trong nước là “đòn bẩy””, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về chuyên đề 3 “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh đây là phiên nội dung quan trọng, bởi một trong những thành tố của nền kinh tế độc lập, tự chủ là chúng ta phải tự chủ về công nghệ.
>>>[GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19] Xây dựng một nền kinh tế tự chủ!
“Hiện chúng ta đã có những thay đổi lớn về phát triển công nghệ, nhưng vẫn còn tương đối chậm so với các cường quốc kinh tế số. Do đó, gắn với Chủ đề diễn đàn, phiên chuyên đề về công nghệ cũng thể hiện chủ trương chính sách, sự quyết liệt của Đảng Chính phủ về chuyển đổi số, khoa học công nghệ. Bởi đại dịch vừa qua đã cho thấy vai trò lớn của khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Lĩnh vực này cũng đang diễn biến rất nhanh, do đó chúng ta cần nhanh chóng theo kịp để tránh bị bỏ lại phía sau”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Về đứt gãy chuỗi cung ứng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, vừa qua đại dịch khiến hầu hết các quốc gia đều bị ảnh hưởng, do đó, chủ động đảm bảo chuỗi cung ứng là vấn đề được đặt ra. Vừa qua, quá trình đa dạng hoá chuỗi cung ứng đang được diễn ra tại các quốc gia, mục tiêu sau này là tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư gồm phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới". Đồng thời, có 3 phiên Hội thảo chuyên đề với 3 chủ đề tương ướng là "Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19”; "Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản"; "Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng".
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) là sự kiện thường niên được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức từ năm 2017 với mục đích là nơi trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về những cơ hội và thách thức của nền kinh tế, định hướng phát triển đất nước dưới tác động của đại dịch COVID-19.
Hội thảo chuyên đề 1: “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch covid-19” thảo luận về các vấn đề: Giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập và những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch Covid-19; Hoàn thiện pháp luật có liên quan phù hợp với Bộ Luật lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch Covid-19; Kinh nghiệm quốc tế trong quản trị quốc gia về lao động nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19; Vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam - những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội nhằm phát triển đồng bộ thị trường lao động sau đại dịch Covid-19; Bài học về Quản lý lao động qua đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo chuyên đề 2: “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản” thảo luận về các nội dụng như: Xu hướng chính sách tài khóa và tiền tệ của các nước và khuyến nghị cho Việt Nam; Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành kênh huy động vốn hiệu lực và hiệu quả cho nền kinh tế; Những vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay - Kiến nghị và đề xuất giải pháp; Giải pháp nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam; Xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế.
Hội thảo chuyên đề 3: “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, tập trung thảo luận các vấn đề như: Sự điều chỉnh của chuỗi cung ứng toàn cầu: Những thách thức, yêu cầu mới đặt ra và hàm ý cho Việt Nam; Định hướng và giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng Việt Nam; Kinh nghiệm của Australia về ổn định và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; Đẩy mạnh số hóa chuỗi cung ứng trong tình hình mới: Yêu cầu, thực tiễn và vấn đề đặt ra cho Việt Nam; Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp: Trường hợp của Tập đoàn Lộc Trời.
Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao có sự tham gia của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc; Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng và Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tổng kết Diễn đàn.
Phiên toàn thể sẽ tập trung thảo luận các nội dung như: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: Cơ hội và thách thức; Đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số; Quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới... Đặc biệt, tại Phiên Toàn thể - Tọa đàm cấp cao có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế với nhiều nội dung mang tính thời sự, đang được dư luận quan tâm liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Diễn đàn hướng tới các mục tiêu cụ thể, thứ nhất, đánh giá, dự báo diễn biến kinh tế quốc tế, các xu hướng mới trên thế giới sau đại dịch Covid-19 trên các khía cạnh như thương mại, đầu tư, kinh tế số, dịch chuyển chuỗi cung ứng; v.v; những cơ hội, thách thức cho nền kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, đánh giá, phân tích một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc về các thành tựu, tồn tại và hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua.
Thứ ba, xác định các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và các bước cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, đề xuất các kiến nghị để khơi thông nguồn lực, phát huy hiệu quả nguồn lực cho tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 24/05/2022
10:56, 23/05/2022
17:09, 24/03/2022
10:00, 10/04/2020