Xây dựng thương hiệu: Phát triển và lan tỏa giá trị doanh nghiệp

HOÀNG HƯNG 29/07/2023 10:02

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và thương hiệu cá nhân của lãnh đạo doanh nghiệp, góp phần gia tăng chỉ số uy tín cho thương hiệu.

>>Những thương hiệu giá trị nhất thế giới 2023

Xây dựng thương hiệu cá nhân hay còn gọi là xây dựng nhân hiệu là cách mà cá nhân khẳng định những giá trị cốt lõi bên ngoài và bên trong, thể hiện thông qua tính cách, phong cách và năng lực của bản thân, nhằm tạo được dấu ấn trong lòng công chúng. Đối với lãnh đạo doanh nghiệp, việc xây dựng thương hiệu cá nhân lãnh đạo không chỉ giúp xây dựng uy tín của người lãnh đạo trong cộng đồng mà còn tăng chỉ số niềm tin của thương hiệu doanh nghiệp. Hiểu về mối liên hệ giữa xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp sẽ giúp hình ảnh và dấu ấn cá nhân của lãnh đạo đồng nhất với những giá trị của thương hiệu doanh nghiệp.

Chia sẻ tại hội thảo “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu cá nhân” do Viện Phát triển doanh nghiệp trực thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam tổ chức vào sáng 28/7, bà Nguyễn Thị Hương Giang – Chuyên gia truyền thông thương hiệu cho biết: "Nếu một doanh nghiệp tuyên bố tôn trọng sự phát triển bền vững, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp lại có các hành động vô tình ủng hộ cho tiêu thụ động vật hoang dã, sử dụng dịch vụ phá hủy môi trường, thì điều này sẽ ảnh hưởng tới tuyên bố của thương hiệu doanh nghiệp. Vì thế, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới các vấn đề và nguyên tắc ứng xử với môi trường thiên nhiên và động vật hoang dã để đảm bảo được tính nhất quán trong tuyên bố của thương hiệu doanh nghiệp với hành động thực tế của mình cùng đội ngũ trong cuộc sống."

>>Các thương hiệu quay về thực địa, tín hiệu tốt cho mặt bằng Việt

Ảnh: Bà Nguyễn Thị Hương Giang - Chuyên gia truyền thông thương hiệu.

Bà Nguyễn Thị Hương Giang - Chuyên gia truyền thông thương hiệu.

Hội thảo “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu cá nhân” được tổ chức với mục tiêu góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã. Sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong truyền thông giảm cầu đối với tiêu thụ động vật hoang dã sẽ không chỉ góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh xanh, đảm bảo các tiêu chí ESG mà còn giúp doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng thương hiệu với các giá trị bền vững, có ích cho cộng đồng, đất nước. Điều này sẽ giúp tăng chỉ số uy tín của môi trường kinh doanh Việt Nam trên thị trường Quốc tế.

Các doanh nghiệp chụp ảnh lưu niệm cùng chuyên gia.

Các doanh nghiệp chụp ảnh lưu niệm cùng chuyên gia.

Chia sẻ thêm về vấn đề xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong thời đại số, bà Nguyễn Thị Hương Giang nhấn mạnh, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp thì trước hết phải có cách làm đúng, phải xuất phát từ bản chất, nền tảng cốt lõi của chính doanh nghiệp, đồng thời phải dựa trên những giá trị mà doanh nghiệp tạo ra, không chỉ cho nhân viên, khách hàng, đối tác của họ mà còn cho cộng đồng và xã hội. Hoạt động truyền thông chỉ nên là phương tiện hỗ trợ việc lan tỏa những giá trị đó tới công chúng. Nếu doanh nghiệp sử dụng hoạt động truyền thông để khuếch trương những điều mà bản thân họ không thực sự sở hữu, thực sự làm hay thực sự tạo ra, thì đó không phải là xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.

"Điểm chạm thương hiệu” - Dấu ấn trong lòng công chúng

Muốn xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, trước hết chúng ta phải xác định được hoạt động này hướng tới ai và diễn ra ở bối cảnh nào. Trong đó, "điểm chạm thương hiệu” được xem là mấu chốt để doanh nghiệp tạo dựng được dấu ấn trong lòng công chúng. Điểm chạm thương hiệu có thể được hiểu là điểm tiếp xúc giữa doanh nghiệp và khách hàng, đối tác. Nếu một doanh nghiệp có thái độ không tốt với khách hàng hoặc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ kém chất lượng, tạo ra những trải nghiệm không hài lòng cho khách hàng, công chúng thì uy tín của doanh nghiệp đó sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng.

Vậy nên, nhận định rằng xây dựng thương hiệu phải phụ thuộc vào nền tảng xã hội là không đầy đủ. Trước tiên, thương hiệu của doanh nghiệp muốn xây dựng và phát triển được phải phụ thuộc vào những hành động thực tế của doanh nghiệp đối với cả khách hàng, công chúng và cộng đồng trước, sau đó mới dựa vào các nền tảng truyền thông, trong đó bao gồm mạng xã hội của doanh nghiệp. Đối với khách hàng và công chúng, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào hoạt động đào tạo và phát triển nguồn lực con người- điểm chạm quan trọng, tạo dựng và phát huy giá trị của con người để phù hợp với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Ngoài ra, sức mạnh lan tỏa từ truyền thông mạng xã hội là rất tốt và phù hợp xu hướng, nhưng khách hàng cũng như công chúng, cũng cần những thông tin mang tính chính thức từ doanh nghiệp. Sự hiện diện của doanh nghiệp trên hệ sinh thái truyền thông bao gồm rất nhiều kênh truyền thông như là website, sự kiện, báo chí, truyền hình,... mới tổng hòa để làm nên câu chuyện của thương hiệu doanh nghiệp trên truyền thông, không chỉ riêng mạng xã hội.

Toàn cảnh hội thảo “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu cá nhân”

Toàn cảnh hội thảo “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu cá nhân”.

Chỉ số niềm tin của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng

Về phía doanh nghiệp, việc xây dựng chỉ số niềm tin thương hiệu của doanh nghiệp trên hệ sinh thái truyền thông rất quan trọng, trong đó website doanh nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Website có thể ví như một căn nhà, người tiêu dùng bước vào có thể biết được những thông tin đúng, thông tin đủ và giá trị cốt lõi của thương hiệu doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp cần phải có sự nhìn nhận đúng đắn và đầu tư thỏa đáng để chuyên nghiệp hóa và chuyên sâu hóa vào xây dựng website, từ đó mới đảm bảo được chỉ số niềm tin của thương hiệu.

Bên cạnh đó, các kênh khác như mạng xã hội, báo chí,...sẽ là những kênh vệ tinh, góp phần vào việc tăng chỉ số niềm tin cho doanh nghiệp. Thông qua đó, người tiêu dùng sẽ có cái nhìn đa chiều về doanh nghiệp, từ đó giúp lan tỏa thêm giá trị của doanh nghiệp và trở thành căn cứ khách quan để khách hàng đưa ra quyết định mua hàng hay hợp tác cùng doanh nghiệp.

Bà Giang cũng chia sẻ thêm, cần có thêm nhiều các chương trình đào tạo, tập huấn cũng như những chương trình chia sẻ kiến thức hữu ích dành cho doanh nghiệp và cộng đồng nói chung. Mong rằng trong tương lai, VCCI sẽ tiếp tục là cầu nối để góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về những giá trị đúng đắn trong việc xây dựng, phát triển và truyền thông thương hiệu doanh nghiệp hay thương hiệu cá nhân của doanh nhân cũng như cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao doanh nhân nên đầu tư vào thương hiệu cá nhân?

    15:54, 02/08/2020

  • Xây dựng thương hiệu cá nhân: "Vướng" 1 trong 4 sai lầm này, không thể thành công

    02:29, 24/05/2022

  • Thương hiệu cá nhân 5.0

    09:16, 02/11/2021

  • Thương hiệu cá nhân CEO quan trọng không kém thương hiệu doanh nghiệp

    08:39, 20/11/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng thương hiệu: Phát triển và lan tỏa giá trị doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO