Nếu đến Trung Quốc, người ta sẽ bất ngờ trước số lượng xe điện trên đường. Nhưng nếu là một nhà thiết kế xe, họ sẽ thấy dường như xe điện nào cũng na ná nhau.
Đó là câu chuyện mà Anthony Lo đã trải qua. Mặc dù là một nhà thiết kế kỳ cựu, nhưng ông chia sẻ rằng mình không thể phân biệt được các loại xe điện chạy trên đường, cũng như chẳng biết chúng thuộc thương hiệu nào.
Đây không phải vấn đề ở một khu vực, hay một thành phố, mà nó đang trở thành “xu hướng” trên toàn thị trường xe hơi Trung Quốc. Với mục tiêu chạy đua nhằm giữ vững vị thế cạnh tranh, các công ty lớn nhỏ đều muốn tung ra các mẫu xe nhanh nhất có thể. Do đó thời gian thiết kế xe chỉ còn bằng một nửa so với những bên sản xuất xe chạy bằng xăng dầu. Vậy nên không quá khó hiểu khi xe lại tương tự nhau. Bởi vì dưới áp lực thời gian gấp rút như vậy, các nhà thiết kế hiếm khi nghĩ đến các mẫu mã đột phá, mà sẽ chọn làm một cái gì đó đã có và an toàn hơn.
Thậm chí tốc độ ra xe của Trung Quốc còn khiến một nhà thiết kế lâu năm như Lo cũng phải ái ngại.
Ông bắt đầu sự nghiệp vào những năm 1980 tại Lotus Cars (Anh), sau đó chinh chiến trong các tên tuổi nổi tiếng như Audi, Mercedes-Benz, General Motors trước khi giữ chức phó chủ tịch thiết kế ngoại thất tại Renault và giám đốc thiết kế tại Ford.
Cơ duyên của ông và xe Trung Quốc bắt đầu từ tháng 10 khi BAIC Group, một nhà sản xuất xe hơi quốc doanh Trung Quốc, mời ông về làm giám đốc thiết kế. Ngày 5/12/2024, ông chia sẻ rằng mình muốn mang “kinh nghiệm toàn cầu” đến BAIC, giúp công ty tiến ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên bản thân ông cũng phải thừa nhận tốc độ ra mắt xe ở Trung Quốc nhanh hơn nhiều so với những gì ông từng quen thuộc.
Kỷ nguyên phát triển thần tốc của xe điện
Xe điện, hoặc có thể nói thẳng là xe điện Trung Quốc, đang ở vị trí tiên phong trong thiết kế xe hiện đại, cung cấp những kiểu dáng, tính năng và phần mềm mà Bắc Mỹ hoặc Châu Âu còn chưa có. Đến cả CEO Jim Farley của Ford cũng từng thừa nhận hồi đầu năm rằng mình đã lái chiếc SU7, mẫu xe điện mới nhất của Xiaomi.
Ông Frank Wu, giám đốc thiết kế tại Jidu Auto (liên doanh giữa công ty công nghệ Baidu và nhà sản xuất ô tô Geely), đã so sánh quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện giống chuyển đổi từ điện thoại phổ thông sang điện thoại thông minh, về cả tốc độ và độ lớn. Ngoài ra, ông khẳng định Jidu đang muốn đem đến một kỷ nguyên công nghệ cao, “kỷ nguyên iPhone” cho xe điện.
Bên cạnh đó, ông cho biết Jidu đi theo hướng thiết kế tối giản nhất, bao gồm việc bỏ luôn tay nắm cửa truyền thống hoặc “gần như mọi nút nhựa” trong xe. Đồng thời họ cũng cố gắng áp dụng công nghệ nhận diện giọng nói để người lái có thể dễ dàng ra lệnh cho xe.
Thiết kế tối giản
Không chỉ ý định hoặc mục tiêu của nhà sản xuất, mà việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện cũng khiến diện mạo của xe thay đổi. Chẳng hạn xe điện không có lưới tản nhiệt phía trước, vì chúng không cần làm mát như xe xăng. Hoặc pin thường được đặt giữa các bánh xe, tạo cho xe điện một vẻ ngoài giống xe sang hơi là xe thông thường.
Lo nhận xét rằng theo thời gian, thiết kế xe hơi đã trở nên tối giản hơn. Giờ đây các nhà thiết kế có thể tích hợp các chi tiết vào một (vài) phần nào đó, điều mà khi trước rất khó làm được. Ngoài ra, ông lưu ý rằng đối với văn hóa Trung Quốc, xe hơi không chỉ là phương tiện di chuyển, mà có thể còn là nơi làm việc và giải trí. Do đó, các nhà thiết kế sẽ rất cần để tâm đến điều này để có thể phù hợp với sở thích người tiêu dùng.