Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ 11 - 13/3 dự kiến sẽ xem xét thông qua nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 - 2021.
Dự thảo Nghị quyết ban hành Kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021 của Chính phủ và Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 được đưa ra lấy ý kiến từ giữa tháng 1 đến hết tuần đầu tháng 3/2019.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2021 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% của cả hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Đồng thời, khuyến khích các địa phương sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại chưa đạt tiêu chuẩn khi bảo đảm các yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và được đa số nhân dân đồng thuận.
Theo lộ trình, từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Khuyến khích các địa phương thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định khi bảo đảm các yếu tố thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội, phát triển đô thị và được đa số nhân dân đồng thuận.
Đến cuối năm 2021, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp.
Từ năm 2022 đến năm 2030, trên cơ sở tổng kết việc sắp xếp giai đoạn 2019-2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính.
Tính đến ngày 30/4/2018, cả nước có đến 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện, chiếm 84,47% và 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã, chiếm 84,52% chưa đạt một trong hai tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định 6 nguyên tắc trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cụ thể, việc sắp xếp phải theo lộ trình tổng thể chung của tỉnh, thành trong từng giai đoạn; thực hiện đúng quy trình thủ tục, bảo đảm công khai dân chủ và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu phát triển của địa phương và của cả nước.
Ưu tiên sáp nhập nguyên trạng một hoặc một số đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn vào đơn vị hành chính cấp liền kề đã từng được chia tách trước đây, hoặc đơn vị hành chính có tương đồng về điều kiện địa lý tự nhiên, phong tục, tập quán, lối sống cộng đồng dân cư.
Trong một số trường hợp, tùy tình hình điều kiện cụ thể có thể điều chỉnh một phần diện tích, quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để sáp nhập vào đơn vị hành chính cấp khác...
Theo lịch làm việc, tại phiên họp dự kiến sẽ khai mạc sáng nay (11/3), UBTVQH sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng, thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong luật Công an nhân dân năm 2018.
Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; quyết định việc thành lập TX.Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và TT.Vĩnh Viễn thuộc H.Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Tại phiên họp, UBTVQH cũng sẽ cho ý kiến về 5 dự án luật, gồm: luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kiểm toán nhà nước; luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); luật Kiến trúc; luật Thư viện; luật Giáo dục (sửa đổi).