Việc Mỹ “cấm cửa” Huawei sẽ là thời cơ để Xiaomi vượt lên chính người đồng hương trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu nói chung và Trung Quốc nói riêng.
Xiaomi thường được mệnh danh là “Apple của Trung Quốc”. Sở dĩ như vậy do Xiaomi có những điểm tương đồng với Apple về thiết kế sản phẩm, cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng của hãng này.
Kể từ khi đặt chân ra nước ngoài lần đầu tiên tại Singapore vào năm 2014, đến nay Xiaomi đã có mặt ở hơn 80 thị trường toàn cầu. Năm 2019 Xiaomi đã trở thành công ty có tuổi đời trẻ nhất lọt vào danh sách Fortune Global 500.
Khoảng 40% tổng doanh thu của Xiaomi đến từ các thị trường quốc tế. Riêng tại Châu Âu, doanh số bán hàng của Xiaomi đã tăng 65%, trong khi Huawei sụt giảm 17%. Điều này đã giúp Xiaomi vươn lên vị trí thứ 3 chỉ sau Samsung và Apple.
Dù doanh thu của các hãng điện thoại khác liên tục sụt giảm do dịch bệnh, nhưng Xiaomi vẫn “ăn lên làm ra” khi doanh thu của công ty trong quý II đã đạt 7,36 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài sản xuất, kinh doanh điện thoại, Xiaomi còn bán quảng cáo trực tuyến và các thiết bị tiêu dùng khác.
Sự khác biệt của Xiaomi nằm ở chiến lược phát triển công nghệ. Xiaomi đã sớm áp dụng chiến lược “AIoT”, kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), trong việc phát triển các sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, Xiaomi cũng đã đầu tư vào một số công ty sản xuất chất bán dẫn và các phần cứng quan trọng khác, cạnh tranh sòng phẳng với HiSilicon của Huawei. Khi HiSilicon bị Mỹ gây áp lực, Xiaomi đang có rất nhiều cơ hội để vượt qua Huawei. Ngoài ra, Xiaomi cũng đầu tư vào Bestechnic thiết kế chip cho các thiết bị âm thanh…
Có thể nói trong số các công ty công nghệ Trung Quốc, Xiaomi là tập đoàn duy nhất tận dụng được khoảng trống mà Huawei để lại ở thị trường nước ngoài. Do chưa bị Mỹ để ý tới, nên Xiaomi đang có lợi thế chiếm lĩnh thị phần của Huawei ở thị trường quốc tế.