Xin hãy cứu lấy rừng!

Trương Khắc Trà 02/07/2019 04:40

Rừng cháy - không phải chỉ bởi lửa mà vì nhiều thứ khác khó chống hơn cả lửa! Hãy bảo vệ rừng vì đó là sinh mạng của chúng ta.

Miền Trung đang nắng nóng cực độ, ai cũng mong chờ cơn mưa xua tan cái nóng bức bí, nhưng mấy hôm nay mạng xã hội nóng ran cầu khẩn ông Trời đổ một cơn mưa xuống Hà Tĩnh để cứu lấy rừng!

Bạn tôi, một nữ phóng viên dũng cảm đang tác nghiệp tại điểm “nóng” đã dùng cụm từ rất cảm động “liên tiếp ba ngày qua bản đồ Hà Tĩnh chìm một màu đỏ khi “giặc lửa” thiêu rụi những cánh rừng phòng hộ…”.

Qua những bức ảnh nóng ran bạn gửi về cho tôi còn thấy hình bóng của lực lượng cứu hỏa, bộ đội, công an, kiểm lâm, đoàn thanh niên, dân thường… mướt mồ hôi bên vệ cỏ nạp vội chút cơm hộp khô khan để lấy sức chiến đấu với lửa.

Trưa 01/7, lửa được khống chế, nhưng 50 hécta rừng quí giá đã cháy sạch, ở Nghi Xuân, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ mọi thứ đảo lộn, di dân chạy trốn đã được lên kế hoạch, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đích thân vào thị sát…

Một đám cháy rừng ở Hà Tĩnh (Ảnh: Ngà Hoàng)

Một đám cháy rừng ở Hà Tĩnh (Ảnh: Ngà Hoàng)

Một câu hỏi được đặt ra, chúng ta đang bảo vệ những cánh rừng phòng hộ như thế nào? Khi nó “nắm giữ” mạng sống của chúng ta!

Có thể bạn quan tâm

  • Người đàn ông đốt rác gây cháy rừng ở Hà Tĩnh đối mặt với án tù từ 7-12 năm

    08:33, 01/07/2019

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát cháy rừng tại Hà Tĩnh

    06:30, 01/07/2019

  • Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

    20:50, 29/06/2019

  • Cháy rừng thông có nhiều bom mìn gần sân bay Đà Nẵng

    13:19, 12/08/2017

  • Cảnh báo nguy cơ cháy rừng

    00:00, 10/04/2007

Một lần tác nghiệp miền biển, tôi tình cờ gặp nhiều người nông dân cùng chung lý tưởng, họ bảo vệ cánh rừng phòng hộ chắn cát trước một quyết định có phần ngang trái của chính quyền, không phá được rừng để đào khoáng sản, bèn chuyển đổi cánh rừng phòng hộ thành rừng khai thác kinh tế!

Rất may cánh rừng ấy không “cháy” bởi tờ giấy có dấu đỏ, mực đen - nhờ nỗ lực đầy gan dạ của những người nông dân thương rừng, sợ rừng, kính rừng như vị thần hộ mệnh.

Cách đây nhiều năm, một cơn lũ lớn quét qua mấy huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, một cây cầu bêtông cốt thép ở hạ lưu bị xô đổ, không phải do nước chảy mạnh, mà do gỗ trôi về…

Người dân lao ra vớt gỗ, toàn gỗ khô, tốt! Thì ra rừng đầu nguồn đã bị chặt hạ hết, rọc phách nhẵn bóng chờ cơ hội thuận lợi sẽ chuyển ra tiêu thụ. Vâng! Rừng không chỉ cháy, rừng còn mất theo cách đó.

Gần nhà tôi có vạt lòi (rừng) nguyên sinh tuổi đời mấy trăm năm, cây cối xanh tốt quanh năm, có điều không có cây gỗ nào quý giá. Từ rất lâu chính quyền đã để mắt đến, dân làng được khuyến cáo hạn chế vào lấy củi, lấy lá…

Nhưng nỗ lực lớn nhất có lẽ là tấm bảng “CẤM LỬA” được dựng lên, lâu ngày tấm bảng tôn hoen rỉ, nghiêng ngả, chẳng ai quan tâm tấm bảng có nội dung cảnh báo rất mạnh.

Người ta vẫn tự do ra vào, xe công nông xình xịch suốt ngày chở cát về bán, nhiều tốp thợ xây dựng các công trình lăng mộ vẫn đốt thuốc, vứt tàn trong cơn gió Lào thổi hồng hộc và cái nắng trên 40 độ C!

Nếu không may có hỏa hoạn thì không ai cứu kịp, rất có thể di sản mấy thế kỷ này cũng chung số phận như cánh rừng thông bạt ngàn ở Hà Tĩnh - cũng chỉ vì một hành động vô ý.

Hãy cứu lấy rừng, vì đó là sinh mạng của chúng ta (Ảnh: Ngà Hoàng)

Hãy cứu lấy rừng, vì đó là sinh mạng của chúng ta (Ảnh: Ngà Hoàng)

Rừng là tài sản quý giá từ khi con người phải chống chọi với lũ dữ, nắng nóng kỷ lục, do biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, băng tan, xâm nhập mặn, tầng ozon bị thủng… đó là thảm họa không sớm thì muộn sẽ giáng lên đầu chúng ta.

Ở Việt Nam, sách địa lý từng mô tả “rừng vàng” - không chỉ để nói đến mức độ quan trọng của rừng mà còn thể hiện nguồn lâm sản đa dạng phong phú. Nhưng bây giờ Việt Nam không còn nhiều cánh rừng có giá trị đủ sức chống biến đổi khí hậu.

Rừng mất tan tác, biệt thự, biệt phủ gỗ mọc lên như nấm, kiểm lâm bị lâm tặc truy sát, đâu đó truyền nhau câu chuyện đại gia nọ ông chủ kia “trùm” buôn gỗ giàu nứt đố đổ vách.

Chúng ta đang bảo vệ rừng như thế nào? Vụ cháy đau lòng ở Hà Tĩnh đã nói lên khá nhiều điều, rằng chỉ mỗi cơ quan chức năng không thể nào giữ được rừng, bởi rừng là công sản, rừng của dân, dân sống với rừng, rừng hòa quyện vào dân…

Ví như cánh rừng phòng hộ ở miền biển kia, mấy nghìn tấn khoáng sản dưới đáy rừng là quan trọng hay khả năng phòng hộ của rừng, che chở cho dân mới là quan trọng? Nếu dân không chiến đấu có lẽ cánh rừng ấy chỉ còn trong ký ức.

Vậy nên, ích lợi từ rừng phải đến với dân, chứ không phải chảy vào một nhóm lợi ích nào đó. Ai phá rừng nhiều nhất? Khó nói, nhưng nhất quyết đó không phải là dân.

Hình ảnh xót lòng từ Hà Tĩnh cho thấy sức vóc con người quá bé nhỏ trước thiên nhiên, tôi bất giác giật mình vì điều đó. Chiến đấu giữ rừng là cuộc chiến ác liệt vì phải đương đầu với tiền, quyền, sinh mạng…

Vì rừng không chỉ cháy do lửa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xin hãy cứu lấy rừng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO