Làm thế nào tách biệt được cơ chế quản lý hành chính của nhà nước khỏi quản lý kinh doanh của doanh nghiệp?
Khi những vòng đàm phán về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gần đi đến hồi kết, các nhà hoạch định chính sách đã phải đối diện với một vấn đề then chốt là làm thế nào tách biệt được cơ chế quản lý hành chính của nhà nước khỏi quản lý kinh doanh của doanh nghiệp.
Với tinh thần cải cách này, trước đó, khi các nhà làm luật tiến hành sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2005, họ đã đưa vào một nội dung quan trọng trong vấn đề quản lý doanh nghiệp nhà nước. Đó là quy định Nhà nước chỉ thực hiện quyền chủ sở hữu vốn với vai trò là người đầu tư vốn trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn; tách biệt thực hiện quyền chủ sở hữu đối với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; và tôn trọng quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Thế nhưng 13 năm qua, các cơ quan chủ quản vẫn chưa tách bạch được chức năng quản lý nhà nước của mình. Vẫn còn tình trạng các cơ quan quản lý “không nắm vững tay lái và cũng không buông lỏng tay chèo”, hoặc vừa lái, vừa chèo, thậm chí “muốn chèo nhiều hơn cầm lái”...
Có thể bạn quan tâm
06:16, 21/09/2018
00:59, 05/09/2018
05:34, 21/07/2018
11:11, 23/06/2018
06:06, 25/02/2018
15:28, 12/02/2018
05:28, 10/02/2018
Cơ quan quản lý ra mệnh lệnh kinh doanh
Tháng 2/2016, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trả lời báo chí đã khẳng định quan điểm: “Cần kiên quyết sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN của các bộ, ngành và địa phương trong nhiệm kỳ này của Chính phủ, thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp”.
Lúc ấy, dự thảo nghị định về Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được Bộ KH&ĐT soạn thảo. Cơ quan trực tiếp soạn thảo là Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương. Hồi đó, nhiệm kỳ mới của Chính phủ chưa bắt đầu, nhưng Thủ tướng “mới” thì đã có. Các thủ tục hành chính nhiêu khê đối với doanh nghiệp được bắt đầu được bàn thảo và xác định cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính vô lý là nhiệm vụ quan trọng.
Khi đó, Đại hội XII cũng mới bế mạc không lâu và kinh tế nhà nước vẫn được xác định là thành phần chủ đạo. Nhưng những DNNN không hiệu quả, những dự án thất thoát, lãng phí chuẩn bị được “lôi” ra… đã cho thấy vốn và tài sản nhà nước chưa được quản lý một cách hiệu quả.
Chế độ “bộ chủ quản” kìm hãm các DNNN bằng việc can thiệp hành chính gây phiền hà vào hoạt động kinh doanh đã đành, nó còn làm cho các bộ, ngành và chính quyền địa phương sao nhãng chức năng quản lý nhà nước, bảo đảm xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng và thân thiện với mọi chủ thể kinh doanh.
“Siêu ủy ban hạn chế chủ quản”
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định cần phải thành lập Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Lúc ấy, dự thảo nghị định về Ủy ban hay “siêu ủy ban” theo cách gọi của báo chí đã cơ bản hoàn thành. Những ý kiến phản biện khá nhiều, nhưng chung quy lại vẫn là chuyện làm sao ngăn được “thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp ước tính tới 5 triệu tỷ đồng. “Không được phép chậm trễ trước sự thất thoát, lãng phí và sử dụng kém hiệu quả khối lượng tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp trị giá hơn 5 triệu tỷ đồng này”, ông Nguyễn Chí Dũng nói vậy vì quá sốt ruột khi các dự án thua lỗ hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ cứ bị lôi ra dần dần. Trước sự phản đối, nghi ngờ từ một số bộ, ngành lúc đó, ông Nguyễn Chí Dũng đã nói thẳng: “Sự nghi ngờ là điều dễ hiểu. Vì nếu cơ quan này được thành lập thì quyền nắm giữ khối tài sản 5 triệu tỉ đồng của các cơ quan, nhất là các bộ, ngành sẽ không còn”.
Cam kết trong WTO về DNNN ghi rõ: Chính phủ Việt Nam không tác động trực tiếp hay gián tiếp tới các quyết định thương mại của doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước kiểm soát, hay doanh nghiệp được hưởng độc quyền.
Đến nay thì Ủy ban đã được thành lập và chuẩn bị đi vào hoạt động. Nhưng liệu Ủy ban này có xóa bỏ được chế độ “bộ chủ quản” đối với doanh nghiệp hay không vẫn còn là một điều khó đoán định.
Bởi đến nay, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN vẫn diễn ra rất chậm chạp, đến mức Thủ tướng sẽ có thể phải chủ trì một Hội nghị về vấn đề này vào tuần tới. Lý do đơn giản cũng chỉ vì, như nhiều người nói, các bộ, ngành còn níu giữ cho mình những quyền hành và lợi ích mà chế độ “bộ chủ quản” vẫn đang mang lại.
Điều này hẳn nhiên là không đúng cả với quy luật thị trường và pháp luật hiện hành. Bởi Luật Tổ chức Chính phủ 2015 đã không còn công nhận chức năng “thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp” của các bộ và cơ quan ngang bộ. Chắc hẳn đây cũng là một trong những lý do khiến cho Ủy ban được thành lập gần đúng tiến độ, dù hiện nay nó vẫn chưa đi vào hoạt động chính thức. Nhưng, như TS Nguyễn Đình Cung nói, Ủy ban này, nếu muốn xóa được chế độ bộ chủ quản, vốn đã không còn được khuyến khích, “phải được giao những nhiệm vụ đủ cao để chỉ có người tài mới làm được, chứ không nên giao những nhiệm vụ đủ thấp để ai cũng có thể hoàn thành”.