Chuyên gia đề xuất sử dụng các biện pháp giảm thuế, thậm chí xoá thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình hồi phục.
>>>Bộ trưởng Bộ Tài chính: Cân nhắc giảm thuế để hạ giá xăng dầu
Tại Nghị trường hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình về vấn đề thuế xăng dầu. Theo đó, Bộ trưởng khẳng định việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp, mà muốn giảm giá xăng dầu thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Các loại thuế chiếm khoảng 28% trong giá xăng đầu, vừa qua đã giảm 50% thuế môi trường. Còn lại là thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, một số thuế khác thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
"Giảm thuế là một biện pháp mà Bộ Tài chính sẽ cân nhắc để đánh giá tác động; sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Thường vụ Quốc hội về vấn đề giảm thuế trong giá xăng dầu", ông Phớc cho biết.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng tổng cộng 11 lần và giảm 3 lần. Tương đương với mức tăng từ 34-54%.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, giá xăng dầu là yếu tố đầu vào của nền kinh tế, nên với mức độ tăng như vậy sẽ tác động tiêu cực, gây ra những bất lợi cho nền kinh tế và đời sống người dân.
Cụ thể, giá xăng dầu chiếm tới 3,54% toàn bộ chi phí nền kinh tế, nên giá hàng hóa đua nhau tăng thời gian qua đã phản ảnh rõ tác động tiêu cực này.
Đặc biệt, theo tính toán tổng cục thống kê, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5%. Điều này cho thấy, kinh tế vĩ mô cũng sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ mức tăng trên 40% của giá xăng dầu.
Ông Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nếu không có hành động để kiểm soát giá thì lạm phát có thể vượt qua 6%.
>>>Giảm đà “phi mã” giá xăng, dầu cách nào?
>>>Đại biểu Nguyễn Thị Yến: Cần công khai, minh bạch quản lý, điều tiết giá xăng dầu
Ông Trần Hoàng Ngân nhận định, thế giới đang trên đà tăng giá, Việt Nam cũng phải chịu giá cao ngay, do có độ mở rất lớn với thế giới.
“Nếu không kiểm soát tốt giá xăng dầu sẽ có những đợt tăng giá nhiều mặt hàng, điều này sẽ dẫn đến tăng lãi suất. Khi đó, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà nhà nước cũng khó khăn”, ông Ngân nói.
Theo ông Ngân, giải pháp thiết thực nhất hiện nay là giảm hoặc xoá thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Bởi, ai cũng được hưởng lợi. Việc giảm loại thuế này kéo giảm chi phí của doanh nghiệp, chi phí logistics, chi phí vận chuyển, hàng hoá cũng sẽ giảm.
Đặc biệt, theo TS Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp nên giảm thuế với xăng dầu để kiểm soát giá mặt hàng này.
“Chúng ta hoàn toàn có thể dùng các biện pháp giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình hồi phục và phát triển, cũng có tác dụng kiềm chế mặt bằng giá qua đó kiềm chế lạm phát, đây là mục tiêu quan trọng”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Có thể bạn quan tâm
13:01, 02/06/2022
10:40, 01/06/2022
04:00, 26/05/2022
05:00, 22/05/2022