Xót xa những dự án nghìn tỷ (Kỳ 3): Thất vọng “ cung đường vàng”

Lê Cường 26/12/2018 17:05

Không chỉ là những dự án nghìn tỷ lãng phí của Vinashin, tại Quảng Ninh một “cung đường vàng” với vốn đầu tư 7.000 tỷ cũng đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”

Đó là tuyến đường sắt Hạ Long – Hà Nội dài 113 km với hai khổ ray 1,435m và 1,067m với 6 đường ray chờ có công suất đón tiễn đạt 12 chuyến/ngày. Dự án được đánh giá đạt chuẩn quốc tế, bề thế nhất miền Bắc, với tổng vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, hứa hẹn là “cung đường vàng” kết nối các tỉnh vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội.

br class=

Khổ ray không đồng bộ là nguyên nhân dẫn đến sự lãnh phí của đường sắt Hà Nội - Hạ Long, và nó cũng cho thấy sự tính toán yếu kém của các bên liên quan.

“Đường vàng” chở vài khách mỗi ngày

Sứ mệnh tuyến đường sắt này trong kế hoạch xây dựng của Bộ GTVT vô cùng hoành tráng: Đảm nhiệm việc chuyên chở hàng hóa từ cảng Cái Lân đi các tỉnh và chuyên chở hành khách mà chủ yếu là khách du lịch, giảm tải cho QL 18 đang trong giai đoạn nâng cấp, đẩy nhanh đồng bộ hóa trong vận tải cho quá trình phát triển toàn diện của tỉnh Quảng Ninh.

Trái với kì vọng, tuyến đường sắt này hiện nay gần như không có hàng hóa và hành khách lưu thông. Mỗi ngày, ga Hạ Long chỉ đón và tiễn duy nhất một đoàn tàu 4 toa, cũ kỹ được nhập của Trung Quốc từ những năm 60.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Đức Tân, Trưởng ga Hạ Long – Cái Lân cho biết, đường sắt ở đây chạy khổ 1,435m nên chỉ chạy lên được Yên Viên (Hà Nội) hoặc Kép (Bắc Giang). Muốn chuyên chở hàng hóa cũng khó vì toàn quốc đang sử dụng khổ ray 1,067m, phải mất thêm chi phí bốc xếp chuyển toa nên chẳng ai dại gì mà vận chuyển bằng đường sắt cả. “Còn khách khứa thì người ta chọn đường bộ cho tiện lợi, cực chẳng đã, người ta mới đi tàu”, ông Tân nói.

 “Chỉ mong sao toàn tuyến nhanh chóng được đồng bộ với khổ ray trên toàn quốc, rồi nâng cấp đoàn tàu để giảm thiểu thời gian chạy tàu lúc đấy may ra mới có khách. Nếu không 2 nhà ga nghìn tỷ này sẽ phải giải thể”.

Quãng đường từ ga Hạ Long lên đến Yên Viên (Hà Nội) dài 165 km, nhưng phải đi qua gần 20 ga lớn nhỏ, mất hơn 7 giờ. Trong khi đó, cũng quãng đường ấy, đi ôtô chỉ mất hơn 3 giờ, chưa kể đến việc xuống ga còn phải đi taxi một quãng đường dài vào trung tâm thành phố. “Mỗi chuyến tàu ở đây lỗ gần chục triệu đồng, chưa kể đến tiền lương cho anh em, rồi tiền điện, tiền nước... Cả đoàn tàu thế nhưng vận tải lượng khách không bằng xe 24 chỗ đâu. Ngành đường sắt hàng năm đang lỗ hàng trăm tỷ cho các tuyến tàu chợ” - ông Tân nói.
“Chỉ mong sao toàn tuyến nhanh chóng được đồng bộ với khổ ray trên toàn quốc, rồi nâng cấp đoàn tàu để giảm thiểu thời gian chạy tàu lúc đấy may ra mới có khách. Nếu không 2 nhà ga nghìn tỷ này sẽ phải giải thể” - ông Tân xót xa nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Xót xa những nhà máy nghìn tỷ bị bỏ hoang Kỳ 2: Nhà máy phát điện: “Một phút huy hoàng rồi chợt tắt”

    Xót xa những nhà máy nghìn tỷ bị bỏ hoang Kỳ 2: Nhà máy phát điện: “Một phút huy hoàng rồi chợt tắt”

    18:39, 22/12/2018

  • Xót xa những nhà máy nghìn tỷ bị bỏ hoang Kỳ I: Hoang tàn Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân

    Xót xa những nhà máy nghìn tỷ bị bỏ hoang Kỳ I: Hoang tàn Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân

    17:06, 19/12/2018

Quảng Ninh mong muốn triển khai lại dự án

Nhưng ít nhất thì ga Hạ Long cũng thi thoảng có vài khánh. Ga Cái Lân thì thê thảm hơn, vì nhiều năm nay bất động. Có mặt tại ga Cái Lân, phóng viên DĐDN giật mình trước khung cảnh hoành tráng với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư nhưng lại ảm đạm và vắng ngắt bao trùm là cỏ lau và bụi.

Nhà ga này được xây dựng nằm trọn trong khu vực cảng biển Cái Lân, có tới 7 đường ray để chờ xếp hàng. Cùng đó, nhà ga được bố trí đầy đủ hệ thống nhà kho, bãi xếp container chuyên dụng. Nhưng đáng buồn là trong nhiều năm qua không hề được sử dụng và không có chuyến tàu nào vào làm hàng. “Chỉ tính toán sơ sơ thì mỗi một đoàn tàu có thể vận chuyển trên 20 container, mỗi ngày sẽ có 2 chuyến, như vậy số lượng 40 container sẽ được vận chuyển trong ngày, tất nhiên lượng hàng hóa này hoàn toàn có thể gia tăng hơn nhiều nếu tuyến đường sắt đi vào hoạt động và cơ quan chức năng có chiến lược hợp lý” ông Tân khẳng định.

Trước thực tế trên, tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp khai thác cảng rất tha thiết khơi thông lại dự án tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Cái Lân (Hạ Long) nhằm tạo sự đồng bộ về khổ ray để thu hút hàng hóa vào cảng biển.

“Nếu dự án đường sắt này hoàn thiện, cùng với dự án cảng hàng không Vân Đồn và các dự án đường cao tốc chuẩn bị đi vào hoạt động thì vị thế của Quảng Ninh khác hẳn, tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc của địa phương. Vì vậy Quảng Ninh rất mong muốn tuyến đường sắt này được tiếp tục triển khai”, ông Vũ Văn Hợp – Chánh văn phòng, Người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Ninh mới đây cho biết.

Cũng theo ông Hợp, lãnh đạo tỉnh khi làm việc với Bộ GTVT đã trực tiếp đề nghị khởi động lại dự án nhằm khơi dậy tiềm năng vận tải bằng đường sắt đi, đến Quảng Ninh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa biết Chính phủ có đồng ý cho tiếp tục triển khai dự án này hay không.

Nhiều năm đợi chờ để tìm lối thoát, dự án dường sắt này vẫn rơi vào vô vọng. Không triển khai tiếp dự án đường sắt Hạ Long – Hà Nội đang gây ra sự lãng phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho đất nước. Hàng núi phụ kiện sắt thép đường ray, tà vẹt vì thế đang dần hư hỏng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xót xa những dự án nghìn tỷ (Kỳ 3): Thất vọng “ cung đường vàng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO