Thương mại điện tử của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023, theo Statista).
Dự báo giai đoạn từ năm 2022 - 2025, thương mại điện tử Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 10% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Trong những năm gần đây, sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, đã khiến thương mại điện tử trở thành một phần không thể thiếu của các chiến lược kinh doanh.
Cùng với đó, sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram và Threads,... cũng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp để tiếp cận và tương tác với hàng triệu khách hàng.
Nhận thấy tầm quan trọng của thương mại điện tử và xu hướng phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số, nhiều buổi workshop, khóa đào tạo chia sẻ kinh nghiệm về nội dung này cũng ra đời, nhằm giúp các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt và tối ưu hóa các công cụ số.
Doanh nhân, Chuyên gia đào tạo Phan Việt Thắng cho biết: “Các nền tảng số, đặc biệt là TikTok có khả năng tạo ra sự kết hợp mạnh mẽ giữa bán hàng và xây dựng thương hiệu. Đặc biệt trong bối cảnh người dùng đang tận dụng nền tảng số để vừa giải trí vừa mua sắm. Đây là cơ hội rất lớn để chúng ta có thể bán hàng một cách hiệu quả vớie-shopping. Đồng thời, có thể xây dựng thương hiệu dễ dàng hơn.”
“Trong bối cảnh thị trường biến động như hiện nay, chỉ khi doanh nghiệp nắm vững chiến lược số hóa, biết cách sử dụng dữ liệu để tối ưu hóa quy trình, thì mới có thể tồn tại và phát triển bền vững", chuyên gia khẳng định.
Để tối ưu hóa nền tảng số, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, từ đào tạo nguồn nhân lực đến xây dựng chiến lược, quy trình.
Với các chuyên gia, việc đào tạo cho sinh viên thấu hiểu và vận dụng tốt các nền tảng này, cũng là một yếu tố quan trọng. Vì đây sẽ là nguồn lực trong tương lai, những người sẽ tiếp tục bắt nhịp dòng chảy của những xu hướng công nghệ sắp tới.
Theo mục tiêu của Bộ Công Thương đặt ra, đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử đạt 35 tỷ USD, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và 50% thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiệ Bộ Công Thương cũng đang xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển thương mại quốc gia giai đoạn 2026 – 2030, liên quan đến các vấn đề về nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển thương mại điện tử xanh, tuần hoàn bền vững,...
Có thể nói, thương mại điện tử đã trở thành một trụ cột quan trọng, đóng vai trò sống còn trong sự phát triển của doanh nghiệp hiện đại. Việc nắm bắt và triển khai các chiến lược số hóa ngay từ bây giờ không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình kinh doanh mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trong một thị trường đầy biến động, sẵn sàng cho các mục tiêu lớn hơn hòa nhịp với dòng chảy kinh tế số toàn cầu.