Với vị thế đang lên của Việt Nam, các chính sách đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ hay cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện đã thu hút dòng đầu tư FDI.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính tới cuối tháng 7, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, 70,4% tổng vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; được rót chủ yếu vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.
Sự phát triển của các lĩnh vực đó lại tác động trực tiếp đến bất động sản công nghiệp, nhờ việc gia tăng nhu cầu về nhà xưởng để đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng, dịch vụ.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có thêm 10 dự án đầu tư khu công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhiều khu công nghiệp lớn khởi công như VSIP Lạng Sơn, VSIP Hà Tĩnh.
Bên cạnh các "ông lớn" đầu ngành, thị trường cũng dần chứng kiến những cái tên mới gia nhập thị trường như DIC Holdings, Phát Đạt, Khang Điền, Hà Đô… đã và đang lên kế hoạch “thâu tóm” quỹ đất để phát triển bất động sản công nghiệp, cho thấy tiềm năng to lớn của phân khúc này.
Ông Hardy Diec – Giám đốc điều hành KCN Việt Nam, nhận xét: “Có thể thấy, thời gian vừa qua, Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu. Nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn toàn cầu đã và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Amkor, Qualcomm, Samsung, Intel…
Tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn chắc chắn là thông tin tích cực. Đối với Việt Nam, điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp trong nước duy trì đà tăng trưởng nhờ nhu cầu gia tăng về nhà xưởng công nghiệp”.
Theo các chuyên gia, để thu hút hơn nữa sự quan tâm của các tập đoàn sản xuất của thế giới, bên cạnh quỹ đất, cơ sở hạ tầng hay khung pháp lý, yếu tố bền vững cũng cần được chú trọng.
Theo ông Diec, các khu công nghiệp cũng cần chú trọng đến việc xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh, bao gồm các nhà cung cấp nguyên vật liệu, các nhà sản xuất thiết bị, các trung tâm nghiên cứu và phát triển... Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp bán dẫn tiết kiệm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để phù hợp với xu hướng tái thiết lập chuỗi cung ứng, các khu công nghiệp cũ cần phải chuyển đổi sang mô hình mới, bao gồm các yếu tố xanh, sinh thái, tuần hoàn và bền vững hơn. Sự chuyển đổi này không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách thuê mới mà còn nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư.
Bà Vân Nguyễn - Giám đốc cấp cao Khối Thị trường giao dịch phía Bắc của JLL Việt Nam nhận định, thị trường Việt Nam đang có sự thay đổi rõ rệt khi thu hút nhiều nhà đầu tư mang công nghệ hiện đại.
Dựa trên dữ liệu từ thị trường sơ cấp, ông Thomas Rooney - Quản lý Cấp cao, Bộ phận Bất Động Sản Công nghiệp Savills Hà Nội đánh giá, nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế đều đang xem xét chuyển đổi các khu công nghiệp của họ thành khu công nghiệp thân thiện với môi trường.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang tập trung vào môi trường hơn bao giờ hết, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội là một phần của các mục tiêu toàn cầu của họ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng ngày càng chú trọng đến ESG (gồm các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị), trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu "Net Zero" vào năm 2050 và có nhiều chương trình, chính sách phát triển ESG tại Việt Nam.
“Nhu cầu tìm kiếm bất động sản công nghiệp xanh đạt các tiêu chuẩn quốc tế như LOTUS, LEED… từ các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày một tăng cao, do đó các nhà phát triển loại hình này tại Việt Nam cần kịp thời nắm bắt và đáp ứng được các yêu cầu. Cùng với đó, dịch vụ tư vấn hỗ trợ các nhà đầu tư sẽ là điểm khác biệt giúp các đơn vị phát triển loại hình này tiếp tục thu hút và đón nguồn vốn đầu tư bền vững” - ông Hardy Diec nói.
Để đáp ứng được nhu cầu của ngành, các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn cần có thêm các chính sách ưu đãi trên từng lĩnh vực. Ví dụ, đào tạo nhân lực chất lượng thông qua xây dựng các chương trình đào tạo kỹ thuật cao hay hợp tác với các trường đại học và các tổ chức quốc tế.
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào R&D bằng các khoản vay ưu đãi hoặc các gói hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, chính phủ có thể xem xét ưu đãi thuế đối với những lĩnh vực cụ thể như ngành bán dẫn, đơn giản hóa thủ tục hành chính hoặc các hỗ trợ phù hợp khác.