Nhiều chuyên gia nhận định, chuyển đổi số và đổi mới sáng taọ là một trong những yếu tố tác động tích cực đến thị M&A trong thời gian tới, cùng một số xu hướng mới khác.
>>Khối ngoại thận trọng M&A bất động sản
Vừa qua, công ty TNHH Kiểm toán KPMG Việt Nam đã công bố khảo sát về các thương vụ M&A trong 10 tháng năm 2022 so với 12 tháng năm 2021, kết quả cho thấy đây là một năm mà thị trường tương đối trầm lắng về số lượng cũng như giá trị các thương vụ. Cụ thể, từ 700 thương vụ của cả năm 2021 đã giảm xuống con số 350 của 10 tháng năm nay và giá trị từ 11 tỷ đô la Mỹ xuống còn 5,7 tỷ đô la.
Đây là kết quả không mấy sáng sủa khi một năm sắp kết thúc. Trước đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đã có báo cáo đánh giá, hoạt động M&A toàn cầu đang gặp nhiều lực cản trong bối cảnh các công ty lo lắng về viễn cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng. Ngoài ra, chi phí cho hoạt động M&A cũng tăng cao khi các Ngân hàng Trung ương các quốc gia tăng nhanh lãi suất để chống lạm phát. Việc thỏa thuận về giá trị các thương vụ M&A cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục biến động mạnh.
Ông Lê Viết Anh Phong, Phó tổng giám đốc phụ trách bộ phận tư vấn tài chính Deloitte Vietnam cho biết, bên cạnh những rào cản về pháp lý, văn hóa, thì rào cản không nhỏ khiến các thương vụ M&A khó thành công đó là định giá doanh nghiệp và triển khai hậu giao dịch (văn hóa doanh nghiệp, nhân sự, tính tuân thủ, báo cáo tài chính)…
“Nếu các nhà đầu tư chiến lược có thể tập trung hơn vào bài toán thị trường, sản phẩm, con người và giá trị cộng hưởng; thì các nhà đầu tư tài chính sẽ chỉ tập trung vào khả năng gia tăng quy mô doanh thu và lợi nhuận trong thời gian đầu tư vì họ chỉ đầu tư trung bình 4-6 năm. Tuy vậy, cả hai nhóm đầu tư đều quan tâm hàng đầu đến yếu tố tài chính và thuế. Trong đó độ minh bạch và chất lượng báo cáo tài chính, năng lực quản lý tài chính của doanh nghiệp được nhà đầu tư rất chú trọng”, ông Phong cho hay.
>>Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất
Công nghệ tiếp tục dẫn dắt xu hướng
Tại một diễn đàn M&A 2022, vấn đề chuyển đổi số và đổi mới sáng taọ đã được đề cập đến như một yếu tố tác động tích cực đến thị M&A trong thời gian tới. Theo đó, chuyển đổi số là một phần của xu hướng trong nền kinh tế toàn cầu chứ không riêng Việt Nam. Người tiêu dùng sẽ ngày càng có nhiều đòi hỏi khắt khe hơn, muốn được phục vụ tốt hơn, được hiểu một cách cặn kẽ và có được sự phục vụ mang tính chất cá nhân hóa.
Chuyển đổi số còn tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thị trường một cách tích cực, không chỉ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có tiềm lực mà cả những doanh nghiệp sở hữu những công nghệ mới đều có thể tham gia vào lĩnh vực này một cách tích cực, đạt được thành tựu đáng khích lệ, ví dụ trong các lĩnh vực như EdTech, Fintech,...
Phân tích của công ty EY Việt Nam cũng nhấn mạnh, lĩnh vực công nghệ đã dẫn dắt hoạt động M&A toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2022. Hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ dù giảm 20% so với mức kỷ lục năm 2021 (789 tỷ USD), nhưng vẫn chiếm gần một phần ba (31%) tổng giá trị M&A trên toàn cầu. Các thương vụ tập trung vào các công ty công nghệ hiện đang ở mức gấp đôi so với các giai đoạn trước (tăng 95% so với mức trung bình 322 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2019).
Ở chiều ngược lại, phân tích của EY cũng cho thấy, hoạt động M&A trong lĩnh vực khoa học đời sống tiếp tục ít sôi động, bất chấp cuộc khủng hoảng y tế gần đây. Lĩnh vực này đã ghi nhận 111 tỷ USD giá trị các giao dịch M&A trong nửa đầu năm 2022, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 48% so với mức trung bình giai đoạn 2015-2019. Lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ, vốn là lĩnh vực có hoạt động M&A khá sôi động, cũng chứng kiến sự sụt giảm 27% so với nửa đầu năm 2021, xuống còn 91 tỷ USD giá trị.
Ông Andrea Guerzoni, Phó Chủ tịch EY Toàn cầu khẳng định: “Không thể phủ nhận tầm quan trọng của lĩnh vực công nghệ trên thị trường M&A. Trong đó, động lực chính thúc đẩy hoạt động M&A năm 2021 là các thương vụ liên quan tới các dịch vụ dựa trên điện toán đám mây, bảo mật công nghệ thông tin và phần mềm doanh nghiệp. Những động lực này chưa có dấu hiệu suy giảm trong năm nay”.
Tại Việt Nam, bên cạnh xu hướng về chuyển đổi số, chuyên gia đến từ KPMG còn dự báo hai xu hướng nữa cũng làm thay đổi cách hành xử của các doanh nghiệp đó là: Thứ nhất, việc phát triển của các tầng lớp trung lưu tại Việt Nam rất nhanh, đòi hỏi sự phục vụ phức tạp hơn so với nhu cầu của người tiêu dùng trong quá khứ.
Thứ hai, là xu hướng về Go Green, sản phẩm phải Organics, phù hợp với môi trường đáp ứng được các yêu cầu khó khăn của các tiêu chí về ESG, chứ không giống ngày xưa chỉ cần giá rẻ hay chất lượng tốt.
Ngoài ra có thể thấy các quỹ đầu tư tư nhân rất nhiều tiền và đang quan tâm đến thị trường Việt Nam, tuy nhiên khẩu vị rủi ro của họ hiện nay đã khác trước. Việc huy động vốn trước kia dễ bao nhiêu, thì bây giờ lại khó bấy nhiêu và khối lượng vốn huy động được cũng ít hơn.
“Như vậy, chúng ta đã đi từ môi trường kinh tế tiền rẻ và khi Fed đưa ra nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ hơn, thì ngay cả các nhà đầu tư tư nhân họ cũng thận trọng hơn. Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng thấy một xu hướng mới đó là các quỹ đầu tư từ khu vực Trung Đông, họ có mục tiêu thay đổi cơ cấu kinh tế của các nước Trung Đông không phụ thuộc vào dầu mỏ. Do đó, họ muốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực như năng lượng tái tạo tại các nước đang phát triển, hoặc đạt tốc độ tăng trưởng cao như Việt Nam, tạo ra cơ hội hợp tác với các quỹ đầu tư đến từ khu vực này rất lớn.
Đặc biệt, một số thị trường khác ở châu Á điển hình là Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách zero covid, sẽ rất khó để thực hiện M&A thì sẽ là cơ hội cho Việt Nam. Nếu chúng ta tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, đạt được ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo điều kiện cho các thương vụ cất cánh trong thời gian tới”, vị chuyên gia phân tích.
Có thể bạn quan tâm
15:00, 19/09/2022
14:25, 10/11/2022
04:50, 17/08/2022
11:00, 09/08/2022