Số hóa chính là nền tảng giúp cho nền kinh tế Gig phát triển trong tương lai, khi các lao động Gig có thể sử dụng công cụ số tiếp cận công việc như đang ở tại doanh nghiệp.
Nền kinh tế Gig xuất hiện trong xã hội khoảng 5 năm gần đây khi xu hướng làm việc không có hợp đồng thời gian toàn phần với doanh nghiệp hoặc tổ chức trở nên thông dụng trong cuộc sống.
Theo định nghĩa, nền kinh tế Gig là hệ thống kết nối doanh nghiệp và người lao động một cách tự do. Theo định nghĩa của tác giả, các doanh nghiệp áp dụng kinh tế gig khi sử dụng lao động đáp ứng 1 hoặc kết hợp trong 3 điều kiện sau: Sử dụng tạm thời trong một thời gian giới hạn; Không yêu cầu ký hợp đồng lao động toàn thời gian; Làm việc từ xa toàn phần hay một phần công việc.
Thế hệ Z sinh sau năm 1995 sẽ nhanh chóng gia nhập vào lực lượng lao động trong mọi ngành nghề và chiếm đa số vào năm 2025 trở đi. Lực lượng Z có những đòi hỏi rất khác biệt các thế hệ trước như: Quan tâm tới ý nghĩa công việc; Cân bằng công việc chiếm vai trò quan trọng trong nghề nghiệp; Tính đa dạng trong công việc; Áp dụng số hóa và công nghệ trong làm việc; Kết nối trong công việc và nhiều vấn đề khác.
Trong một tương lai bất định và linh hoạt, thế hệ trẻ - đặc biệt những người giỏi - rất muốn đa dạng hóa, sử dụng tối đa năng lực để thể hiện và khẳng định bản thân. Thế hệ Z muốn cực đại hóa khả năng tại nhiều vị trí nhiều ngành nghề để tận dụng tối đa cơ hội mang lại cho họ.
Kinh tế Gig phù hợp với thế hệ Z khi cho phép các bạn có thể làm nhiều việc, nhiều vị trí và tương tác với nhiều đối tác và quan trọng có thể kiếm được nhiều giá trị hơn trong một khoản thời gian hữu hạn thay vì làm tại một doanh nghiệp.
Yếu tố quan trọng thứ hai thúc đẩy nền kinh tế Gig đó chính là nhu cầu của khách hàng đặc biệt trong ngành dịch vụ. Ngành dịch vụ nơi các mô hình kinh doanh tận dụng ưu thế của lao động Gig như tính linh hoạt, kết nối 24h, không tốn chi phí cố định đã và đang tạo ra sức cầu lao động Gig rất lớn trong xã hội.
Ví dụ tại Việt Nam, nhu cầu đào tạo và kèm cặp tiếng Anh 1:1 qua mạng trực tuyến đã thúc đẩy lực lượng giảng dạy tiếng Anh Gig phong phú và đa dạng. Một ví dụ rõ ràng tại Việt Nam đó chính là dịch vụ xe công nghệ khi 100 % lao động tuân thủ theo các nguyên tắc Gig.
Đối với doanh nghiệp, sử dụng lao động Gig sẽ giúp doanh nghiệp trong quản trị nhân sự. Doanh nghiệp - theo mô hình quản trị nhân sự truyền thống – khi sử dụng lao động dài hạn toàn thời gian có mặt tại nơi làm việc
sẽ phải trả chi phí nhân lực bao gồm lương, phúc lợi, bảo hiểm xã hội y tế và các khoản chi phí phát sinh khác như văn phòng và chi phí vận hành doanh nghiệp.
Có thể nói chi phí nhân lực và chi phí mặt bằng chính là hai chi phí cố định ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp. Tuy vậy khi chi trả cho người lao động, doanh nghiệp lại phải lo lắng giải bài toán liệu nhân lực có cam kết làm hết mình đề bù đắp những phí tổn cố định hàng tháng.
Chắc chắn phải trả lương nhưng mơ hồ về đóng góp lại cho doanh nghiệp đối với nhân viên đang là thách thức cho tất cả các lãnh đạo doanh nghiệp nhất là trong đại dịch Covid -19.
Để thay đổi vấn đề đó, triết lý trả lương cần phải thay đổi từ cố định và thưởng sang cơ chế trả lương theo kết quả công việc và đóng góp giá trị cho doanh nghiệp. Quan hệ lao động Gig rất phù hợp khi mọi nhân viên được đánh giá và trả lương phần lớn dựa trên kết quả công việc họ tạo ra. Nhân viên sẽ luôn luôn phải chịu
áp lực vươn lên vì hợp đồng làm việc có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào do thỏa thuận lao động hoàn toàn dựa vào số lượng và chất lượng công việc hoàn thành không phải dựa trên thời gian ký kết trong hợp đồng lao động. Áp lực đó còn tác động mạnh mẽ với nhân viên hơn khi họ phải cố gắng hoàn thành công việc khi làm việc từ xa.
Làm việc từ xa là một cuộc chơi công bằng giữa người lao động và doanh nghiệp khi cả hai bên đều có cơ hội ngang nhau tìm kiếm những đối tác tốt hơn. Cả hai bên doanh nghiệp và người lao động đều có thể cùng làm việc cho nhiều bên để lựa chọn ra ai sẽ trả lương hoặc làm việc tốt hơn cho mình.
Một doanh nghiệp với hệ thống quản trị nhân sự số hóa sẽ rất bình thản áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế Gig khi tất cả các nhân viên làm việc trên môi trường số minh bạch, kết nối liên tục thời gian thực 24h giữa các nhà cung cấp, đối tác, bạn hàng, các phòng ban trong doanh nghiệp và khách hàng.
Nhân viên cho dù ở đâu cũng nhận được các chỉ thị và các chỉ số hoàn thành công việc KPI phát sinh từ cấp quản lý, đồng nghiệp hoặc từ khách hàng. Quan trọng hơn nữa, các quy trình và tương tác công việc đều được trực quan hóa giúp cho doanh nghiệp và người lao động đều nhìn và tự đánh giá mức độ cam kết với nhau trong hoàn thành công việc và trả lương rõ ràng và công bằng.
Sớm hay muộn nền kinh tế Gig cũng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong công việc và cuộc sống của tương lai khi số hóa ngày càng được triển khai rộng khắp trên thế giới. Hai lực đẩy quan trọng của kinh tế Gig chính là người lao động và khách hàng ngày càng trẻ hóa theo thời gian.
Công ty nào tiên phong trong việc sử dụng lao động Gig sẽ có nhiều thuận lợi trong vận hành như gia tăng năng suất, cắt giảm chi phí và có khả năng linh hoạt hơn đáp ứng thách thức của tương lai như đại dịch COVID-19 đang thách thức sự sống còn của tất cả nền kinh tế trên thế giới.