Sau 98 năm hình thành và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước câu hỏi lớn của thời đại 4.0.
"Làm thế nào để tồn tại và phát triển trong bối cảnh nhu cầu và cách thức tiêu thụ thông tin đang thay đổi chóng mặt?"
>>Báo chí trong “thế giới phẳng”
DĐDN đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Mai Anh, Giám đốc điều hành khu vực của Global PR Hub, cựu lãnh đạo của PR Newswire và hãng tin Reuters tại Việt Nam về vấn đề này.
- Với hơn 16 năm kinh nghiệm trong ngành truyền thông báo chí trong và ngoài nước, bà đánh giá như thế nào về sự phát triển của báo chí Việt Nam những năm qua?
Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi chóng mặt về cách tiếp cận thông tin. Nhờ sự bùng nổ mạnh mẽ của internet, việc tiếp cận và tiêu thụ thông tin đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các nền tảng kỹ thuật số đã trở thành nơi cung cấp thông tin cho đa số người đọc Việt Nam, thay thế hầu hết các nền tảng truyền thống như truyền hình, đài radio, báo và tạp chí in.
Mặt khác, ngành báo Việt Nam đang chứng kiến ngày càng nhiều các mô hình tòa soạn mới. Các tòa soạn 360 độ - nơi ứng dụng các công cụ đo lường, kiểm đếm, có khả năng theo dõi số lượng người xem, thời gian đọc, mức độ quan tâm và nội dung thông tin theo thời gian thực - đã không còn là điều lạ lẫm.
Dù vậy, báo chí Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như: sụt giảm trong doanh thu quảng cáo, vấn nạn tin giả và độ xác thực của thông tin; hay sự cạnh tranh từ mạng xã hội… Đây là áp lực cho các tờ báo phải nâng cao chất lượng, tốc độ, cách thể hiện, nhằm giữ chân người đọc lâu hơn cũng như giải bài toán kinh tế.
Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ để các tờ báo “tái định vị thương hiệu” bằng các sản phẩm chất lượng cao, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong bối cảnh môi trường báo chí Viêt Nam hiện rất đông đảo.
>>Quyền lực thứ tư trong kỷ nguyên số
>>Báo chí với tiến trình hội nhập
- Công nghệ đang thay đổi báo chí Việt Nam như thế nào? Đâu là cách thích nghi và phát triển trong thời đại 4.0, thưa bà?
Công nghệ đang thay đổi cục diện nhiều ngành nghề, mà báo chí không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, sự xuất hiện của Trí tuệ nhân tạo (AI) là một “lời nhắc nhở” cho những người làm nội dung cần xem lại cách thức và kỹ năng để duy trì tính ưu việt của con người.
Trên thế giới, các nghiệp vụ như “bóc băng”, gắn phụ đề, voice news đều đã có công cụ AI thực hiện. Một số nhà đài thậm chí đã thử nghiệm, ứng dụng biên tập viên, người dẫn chương trình ảo, như Arirang của Hàn Quốc. Bởi vậy để giữ vững tính ưu việt của con người khi tác nghiệp báo chí, theo tôi cần “mài dũa” 3 yếu tố sau.
Thứ nhất, Kinh nghiệm và sự từng trải: Đây là những yếu tố giúp cho các sản phẩm được trau chuốt, sàng lọc và có hàm lượng tri thức cao.
Thứ hai, tính sáng tạo: Công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện nay mới chỉ ở dạng tổng hợp nguồn dữ liệu có sẵn và chỉ có con người mới tạo nên những giá trị mới.
Cuối cùng là tính cảm xúc: Bên cạnh hàm lượng lý tính, các hoạt động liên quan đến nội dung sáng tạo cũng cần hàm lượng cảm tính rất cao. Mà điều này thì chỉ có con người mới có thể làm được.
- Bà nhìn nhận như thế nào về tương lai của thuê bao báo chí tại Việt Nam?
Theo một nghiên cứu của Reuters về xu hướng báo chí năm 2023, đa dạng hóa nguồn thu cho các tòa soạn là vấn đề đang được ưu tiên. Tiêu chí đặt ra là thuê bao báo chí (subscription) cần chiếm 80% trong doanh thu của tòa soạn, tiếp theo mới là doanh thu từ quảng cáo.
Một số nguồn thu mới cũng đang có xu hướng tăng, như phí sử dụng nội dung tin (content licensing), hay dịch vụ xác thực (factchecking) trước nạn tin giả.
Ở Việt Nam, doanh thu tòa soạn chủ yếu vẫn đến từ quảng cáo. Thói quen tiêu dùng tin tức mất phí vẫn chưa có nhiều. Điều này rõ ràng cần thời gian và nỗ lực của tờ báo để thay đổi thói quen, hành vi của người đọc.
Câu hỏi mà nhiều cơ quan báo chí đặt ra là liệu họ có giữ chân được người đọc hay không nếu thu phí? Thực tế đã có một số ít tờ báo Việt Nam thu phí cho các bài chuyên sâu. Gọi là thu phí nhưng số tiền rất thấp. Trong khi đó, người tiêu dùng nội dung Việt Nam không ngần ngại trả phí cao cho các nền tảng như Netflix hay Spotify.
Cho nên, vấn đề nằm ở chỗ các tờ báo có sản phẩm chất lượng hay không, hoặc có đủ uy tín tên tuổi để thuyết phục người đọc bỏ tiền ra hay không? Rõ ràng, để các tờ báo Việt Nam sống được bằng nguồn thu thuê bao là cả một chặng đường rất dài. Nhưng chúng ta vẫn phải làm, bởi phải có bắt đầu thì mới có ngày tới đích.
- Tin giả và tin giật gân tại Việt Nam đang là một vấn nạn, bà có khuyến nghị gì để đối phó với vấn đề này?
Tin giả, tin sốc, tin giật gân vẫn là đề tài muôn thủa để kéo lượt xem, câu khách. Nhiều tờ báo, trang tin giật tít bài thậm chí gây hiểu nhầm và sai lệch cả nội dung bên trong.
Ngoài sự quản lý của cơ quan chức năng, tôi cho rằng bản thân tòa soạn phải tự nhận thấy đầu tư nội dung là việc nên làm hơn là giật tít câu view. Họ cần hiểu rằng việc chạy theo thông tin kiểu này không chỉ hủy hoại uy tín của tờ báo, mà còn gây ra tác động tiêu cực đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… khi bị hiểu sai.
Cá nhân người đọc cũng cần là một người đọc thông thái. Những nội dung thoạt nhìn qua thấy có mức độ tranh cãi hoặc “sốc - sến - sẩm” thì hãy tự khắc bỏ qua, tránh mất thời gian vào các thông tin vô bổ.
- Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
09:20, 21/06/2023
08:50, 21/06/2023
08:38, 21/06/2023
05:00, 21/06/2023
04:13, 21/06/2023