Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý tình trạng dự án “treo”, “đất vàng” bỏ hoang gây lãng phí theo phản ánh của DĐDN.
Chỉ đạo của Thủ tướng ngay sau khi Diễn đàn Doanh nghiệp đăng tải bài viết: “Đất vàng” – Vì đâu mãi một điệp khúc… “bỏ hoang”? ngày 19/8/2020, phản ánh nội dung: Hiện có tới hơn 300 dự án “treo”, “bỏ hoang” ở các địa bàn quận, huyện TP Hà Nội, khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất… Đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những tồn tại lại là điệp khúc chưa có hồi kết…
Mặc dù đã có những quy định về việc quản lý “đất vàng” tại các dự án, thế nhưng, liên tiếp trong thời gian vừa qua, nhiều diện tích “đất vàng” tại Thủ đô đang bị “xẻ thịt”, sử dụng sai mục đích gây ra hiện trạng nhếch nhác, mất mĩ quan đô thị… Đáng nói, tại nhiều điểm “đất vàng” dự án, giải tỏa được hoạt động kinh doanh trái phép chỉ trong một thời gian ngắn lại tái diễn nguyên hiện trạng ban đầu.
Được biết, thời gian vừa qua, dư luận cũng liên tục chỉ mặt, điểm tên nhiều dự án “đất vàng” bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích, thế nhưng, nhiều địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội, công tác quản lý “đất vàng” vẫn đang bị coi nhẹ. Trong số các điểm nóng về “đất vàng” sử dụng sai mục đích phải kể đến quận: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai…
Đáng nói, tại các điểm nóng như quận Nam Từ Liêm, tình trạng chiếm dụng, “xẻ thịt” ngang nhiên diễn ra dọc theo đường Phạm Hùng (đoạn từ ngã tư Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng đến đoạn ngã tư Tôn Thất Thuyết – Phạm Hùng), hàng loạt đất dự án tại khu vực này ngang nhiên biến thành “phố xe”, các gara ô tô lớn nhỏ được dựng lên san sát, công khai thách thức pháp luật và dư luận.
Tương tự, hiện trạng trên cũng vô cùng phổ biến trên nhiều phường tại quận Cầu Giấy như Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Trung Hòa,… ngoài những diện tích đang hoang hóa thì hàng loạt các sân bóng, sân tennis, gara ô tô, buôn bán cây cảnh… nhan nhản mọc lên trên phần diện tích đất dự án.
Trong số những điểm nóng này, được biết, rất nhiều điểm đã có sự vào cuộc xử lý của chính quyền các cấp, giải tỏa, thu hồi mặt bằng, quây tôn bảo vệ như tại mặt đường Thành Thái, mặt đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, mặt đường Nguyễn Chánh, Dương Đình Nghệ… thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn các điểm kinh doanh vẫn “xé rào” ngang nhiên hoạt động.
Vậy, để hiện trạng trên tồn tại, trách nhiệm thuộc về ai?
Thông tin về vấn đề này với báo chí, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Câu chuyện thu hồi đất của các dự án treo vốn là câu chuyện phức tạp từ xưa đến nay, bởi cho đến giờ, vẫn còn những vấn đề nhất định về mặt khung chính sách pháp luật.
"Trước đây, đã có quy định sau 24 tháng dự án chậm tiến độ sẽ thu hồi đất, trừ những dự án địa phương cho phép kéo dài, nhưng Luật Đất đai 2013 đưa ra cơ chế thay đổi, cho phép kéo dài thêm 24 tháng nữa, tức là tổng cộng trong vòng 4 năm, nhưng nếu dự án vẫn treo thì sẽ thu hồi cả đất và cả tài sản trên đất…", ông Võ nói.
Cũng theo ông Võ, dù khung pháp lý có thể chưa hoàn thiện nhưng quy định của pháp luật về việc này đã có, hoàn toàn có thể tiến hành thu hồi đất ở những dự án chậm tiến độ, còn tài sản đầu tư trên đất có thể tính toán sau. Với đất đai, đặc biệt những khu “đất vàng” không thể để lãng phí, chậm thu hồi ngày nào là mất mát, lãng phí nguồn thu của nhà nước trên tài sản ngày đó, đồng thời tạo nên các tiêu cực...
Ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước:
Công tác quy hoạch đất còn thiếu tính toán về hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường. Lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng. Tham nhũng, tiêu cực, thất thu ngân sách trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn. Nguyên nhân bao trùm là do chấp hành pháp luật đất đai không nghiêm, quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm từ các cấp quản lý. Bên cạnh đó, còn do quy định pháp luật lỏng lẻo, chồng chéo, bất hợp lý, gây nên sự lúng túng, cố tình lợi dụng “kẽ hở” để gây sai phạm, làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
PGS TS Nguyễn Quang Tuyến - Đại học Luật Hà Nội:
Mặc dù trong thời gian qua, Nhà nước đã cố gắng sửa đổi pháp luật trong quản lý đất đai, tuy nhiên, lỗ hổng kiểm soát quyền lực quản lí quy hoạch đất đai không hiệu quả. Tình trạng này diễn ra phổ biến tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước. Nguyên nhân là do hệ thống chính sách pháp luật đất đai của nước ta còn nhiều bất cập, chưa có được hệ thống dữ liệu đầy đủ về đất đai trong cả nước, do đó số liệu thông tin điều tra cũng có sự khác nhau. Việc thanh tra, kiểm tra, mặc dù phát hiện ra nhiều sai phạm nhưng dường như còn ít các xử lý về hình sự mà chủ yếu là xử lý hành chính, phạt tiền.