Hiện tượng "nóng chủ trương, nguội thực thi" của chính quyền cấp cơ sở, khi để những công trình xây dựng “không phép” tồn tại từ nhiều năm nhưng không xử lý, mặc dù đã có chỉ đạo của cấp trên.
Lỗ hổng pháp lý hay chính quyền buông lỏng quản lý?
Như DĐDN đã thông tin trước đó, câu chuyện về việc chính quyền quận Tân Bình, TP HCM, vừa phải thực hiện cưỡng chế 112 căn nhà xây dựng trái phép ở khu vườn rau (phường 6 - Khu đất vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, TP HCM) sau 20 năm tồn tại, đang trở lên hết sức đau lòng, thiệt hại về tiền của, ảnh hưởng tới tâm lý của người dân. Hàng loạt các câu hỏi nghi vấn được đặt ra về công tác quản lý của chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng đang làm gì, ở đâu?
Quay trở lại những vụ việc liên quan tới cách giải quyết và xử lý công trình xây dựng sai phạm trên địa bàn TP HCM, mà DĐDN đã phản ánh trước đó qua bài “TP HCM: Tồn tại hàng loạt các công trình xây dựng trái phép… nhiều năm - “Lỗi tại ai”?
Trong đó, cụ thể là công trình xây dựng không phép xảy ra tại địa chỉ 26/16 Khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, TP HCM, đã gây bức xúc trong dư luận khi để các công trình sai phạm này tồn tại nhiều năm qua, cử tri đã nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền làm ngơ là vấn đề hết sức khó hiểu.
Điều đáng nói là công trình sai phạm này được xây dựng trái phép trên diện tích đất có nguồn gốc đất của một gia đình có công với cách mạng, hiện đang làm nghĩa địa và tồn tại từ năm 1975 đến nay). Và chính quyền cấp quận đã nhiều lần phải ra văn bản xử phạt các hành vi vi phạm, bao gồm phạt tiền và buộc phải tháo dỡ công trình, thậm chí 2 lần ra văn bản cưỡng chế, thế nhưng những công trình này vẫn hiên ngang tồn tại và dường như đang thách thức các cơ quan công quyền?
Cụ thể, sau khi cử tri lên tiếng, phản ánh về sự việc nêu trên, ngày 18/8/2017, UBND quận 9 ra Quyết định số 228/QĐ – XPVPHC, xử phạt 6.250.000 đ và buộc phải tháo dỡ công trình sai phạm (trên thực tế chủ đầu tư công trình này không đóng tiền xử phạt, không tháo dỡ công trình mà còn tiếp tục xây dựng thêm các công trình khác). Ngày 8/11/2018, UBND quận 9 tiếp tục ra Quyết định số 227/QĐ-XPVPHC, xử phạt 25.000.000đ, và buộc phải tháo dỡ công trình (công trình cũ chưa khắc phục và tiếp tục xây dựng công trình mới nhưng không thực hiện quyết định xử phạt và tháo dỡ công trình). Ngày 11/12/2018, UBND quận 9 ra Quyết định số 137/QĐ-CCXP, về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình nêu trên, tuy nhiên sự việc không có tiến triển gì? Ngày 02/1/2019, UBND quận 9 lại tiếp tục ra Quyết định số 03/QĐ-CCXP, về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, thời gian thực hiện trong vòng 15 ngày kể từ ngày 02/1/2019. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà công trình này vẫn tồn tại.
Trước những vấn đề bức xúc của dư luận, PV báo DĐDN đã vào cuộc và có bài phản ánh về những tồn tại trong quá trình xử lý các công trình sai phạm nêu trên. Và ngày 25/1/2019, UBND phường Tăng Nhơn Phú A, có văn bản số 49/UBND, gửi cho báo DĐDN thông tin trả lời về vụ viêc. Theo đó, tại văn bản này, UBND phường cho biết: “hiện nay UBND phường Tăng Nhơn Phú A đã tổ chức niêm yết Quyết định số 03/QĐ-CCXP, về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Nếu quá thời gian nêu trên người vi phạm không chấp hành, UBND phường sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên thời gian ra quyết định cưỡng chế của UBND quận 9 đã trôi qua gần 2 tháng, thời gian UBND phường Tăng Nhơn Phú A trả lời cho DĐDN đúng 01 tháng nhưng công trình này vẫn tồn tại mà không bị xử lý là điều hết sức khó hiểu.
Nóng chủ trương, nguội thực thi?
Nhận định về những mặt tồn tại liên quan tới việc xử lý các công trình sai phạm trên địa bàn TP HCM trong thời gian qua, Luật sư Nguyễn Hải Vân – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Đông Á, nhận định: Thực trạng xử lý các công trình sai phạm trên địa bàn TP HCM, đang là vấn đề khá nhức nhối, việc dư luận bức xúc trong suốt thời gian qua là vấn đề dễ hiểu.
Thứ nhất, trong công tác quản lý vẫn hình thành và tồn tại cơ chế xin cho đã kéo theo buông lỏng trong quản lý đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện tượng làm ngơ của lực lượng cấp cơ sở, thậm chí xuất hiện hiện tiêu cực, mối lái để làm ngơ thông qua “cò xây dựng”, ở cấp này mà chúng ta không có chế tài để xử lý vi phạm.
Thứ hai, trong quá trình xử lý sai phạm còn vướng nhiều đến thủ tục hành chính như: vượt cấp, thẩm quyền, phạm vi xử lý, đối tượng xử lý… phải xin ý kiến cấp trên và chính trong thời gian chờ đợi cấp trên xử lý đã khiến cho vụ việc kéo dài, thậm chí phát sinh các hạng mục khác. Và tất nhiên, lỗi này xuất phát từ cấp cơ sở do không giám sát chặt chẽ, buông lỏng quản lý, bao che cho hành vi sai phạm dẫn tới vụ việc dịch chuyển theo hướng phức tạp hay đặc biệt phức tạp. Câu chuyện cưỡng chế 112 căn nhà tại vườn rau Lộc Hưng, Tân Bình TP HCM, vụ việc tại quận 9 trong thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình – Luật sư Vân nói.
Cũng theo Luật sư Vân, những tồn tại thể hiện việc buông lỏng trong quản lý, tạo điều kiện cho các công trình sai phạm tồn tại theo kiểu “làm ngơ” ở một số cấp xã phường, quận huyện trên địa bàn TP không phải là ít, những sự việc rõ như ban ngày, những công trình nhà ở kiên cố, nhà hàng, bãi xe… thì không được xử lý triệt để. Thế nhưng, có những công trình có giấy phép hẳn hoi và chỉ sai về hạng mục như: tường rào, công trình phụ …thì ngay lập tức bị xử phạt, cưỡng chế, thậm chí rút giấy phép, “treo giấy phép” vĩnh viễn đang là vấn đề bức xúc của dư luận.
Viện dẫn về sự những đối lập nêu trên, Luật sư Vân chia sẻ: Trường hợp bà Tống Thị Hiu có địa chỉ 1/64C khu phố 5, phường Tân Hưng, quận 12, lại cho thấy cách xử lý của chính quyền địa phương có phần thiếu công tâm và khách quan, gây bức xúc trong dư luận. Cụ thể, theo giấy phép xây dựng số 5507/GPXD – UBND, ngày 17/10/2017 của UBND quận Bình Tân: Bà Hiu được xây dựng nhà ở trên lô đất tại thửa 462 tờ bản đồ 64 (TL2005), diện tích 226,60 m2 tại địa chỉ Đường Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Và Giấy phép xây dựng có thời gian trong vòng 01 năm, trường hợp hết giấy phép xây dựng mà chủ đầu tư chưa đủ điều kiện để khởi công thì phải đề nghị gia hạn giấy phép.
Có thể bạn quan tâm
14:17, 28/07/2017
15:38, 07/12/2016
07:05, 14/01/2019
Và trong trường hợp này, do điều kiện khó khăn chưa thể triển khai xây dựng công trình cùng một lúc, bà Hiu đã làm thủ tục để được điều chỉnh giấy phép xây dựng (ngày 14/5/2018, bà Hiu đã có hồ sơ, có biên nhận xin điều chỉnh giấy phép trước khi xây dựng bức tường). Mục đích mà Hiu xây dựng bức tường chỉ đơn thuận là để bảo vệ ranh giới đất cũng như bảo vệ nguyên vật liệu để chuẩn bị cho việc xây công trình nhà cửa. Tuy nhiên, ngày 26/10/2018, Thanh tra Sở xây dựng TP HCM ra Quyết định số 1982/QĐ-XPVPHC, về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình nêu trên vì lý do “sai nội dung giấy phép xây dựng”. Đồng thời bà Hiu bị áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả là: Phạt tiền với mức phạt là 15.000.000 đồng, đồng thời phải làm thủ tục để được điều chỉnh giấy phép xây dựng (thực tế trước đó, bà Hiu đã làm đơn gửi UBND phường). Và ngày 26/10/2018, bà Hiu đã trực tiếp tới kho bạc nộp số tiền xử phạt nêu trên.
Tuy nhiên, trong những ngày giáp Tết nguyên đán, lực lượng cưỡng chế của UBND phường Bình Hưng Hòa B đã đập phá bức tường nêu trên là quá cứng nhắc. Trong khi nhiều công trình xây dựng kiên cố “không phép” như: Nhà cửa, bến bãi… lại vẫn hiên ngang tồn tại và không bị xử lý là điều khó chấp nhận – Luật sư vân nói.
Với những sự việc nêu trên, xem ra vẫn còn những lỗ hổng, buông lỏng quản lý, thực hiện theo cảm tính kiểu “Nóng chủ trương, nguội thực thi”, của chính quyền cấp cơ sở khi để những công trình sai phạm tồn tại trong nhiều năm nhưng không xử lý. Trong khi những công trình có phép chỉ sai về hạng mục, các công trình phụ lại được làm rốt ráo, thẳng tay, cưỡng chế… là hết sức cứng nhắc và thiếu công tâm.