Qua 3 tháng theo dõi, người dân sinh sống tại tổ 3, khu Cầu Trắng, phường Đại Yên, TP Hạ Long đã bắt quả tang Công ty TNHH Môi trường Bình Minh đổ trộm chất thải ra môi trường.
Cụ thể, ngày 31/7 người dân tại tổ 3, khu Cầu Trắng, phường Đại Yên, TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã bắt quả tang xe bồn BKS 14C-240.35 của Công ty TNHH Môi trường Bình Minh chở khoảng 5m3 chất thải hầm cầu đang xả trực tiếp ra môi trường, nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc ngay sát khu vực sinh sống của người dân.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đinh Xuân Bền - Phó Chủ tịch UBND phường Đại Yên cho biết, việc đổ trộm chất thải ra môi trường của Công ty Bình Minh ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn nước giếng khoan do người dân khu vực này chưa có nước sạch sinh hoạt.
"Sau khi nhận được thông tin từ phía người dân, đại diện UBND phường Đại Yên đã có mặt và lập biên bản, yêu cầu Cảnh sát môi trường tỉnh Quảng Ninh điều tra làm rõ sự việc. Hiện vụ việc đang được Cảnh sát môi trường xử lý. Đến nay công ty đã cho người san lấp, vùi đất vị trí xả" - ông Bền cho biết.
Tuy nhiên, theo người dân trong khu vực, thực tế việc vùi đất chỉ nhằm để che mắt, không có tác dụng. Để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân phải xúc đi hoặc xử lý bằng chất hóa học nào đó.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thuận - Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, đoàn luật sư Hải Phòng, hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân mà còn là hành vi bất hợp pháp và tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự.
"Theo đó, tại Điều 235, Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính" – luật sư Thuận cho biết.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên có hiện tượng đổ trộm chất thải ra môi trường tại khu vực này. Người dân khẳng định đây là điểm đổ thải thứ 2 và các xe chở chất thải đã đổ trộm nhiều lần xuống khu vực này.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 07/08/2019
15:08, 05/08/2019
13:40, 05/08/2019
Thời gian qua, tại rất nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện tình trạng đổ trộm chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Gần đây nhất, tại 3 điểm gần QL 10 thuộc địa bàn xã Hưng Nhân, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã xuất hiện một lượng lớn chất thải độc hại (là dầu thải và phenol, loại chất hữu cơ có khả năng gây bỏng). Số chất thải bị đổ trộm này đã khiến bà Lê Thị Lan (50 tuổi, ngụ xã Hưng Nhân) đã lội vào vùng chất thải này bị bỏng nặng. Để xử lý, khắc phục lượng chất thải độc hại đổ trộm này Hải Phòng cần khoản kinh phí đến 6,5 tỉ đồng.
Để xử lý vấn nạn này cần sự phối hợp chặt chẽ của rất nhiều cơ quan chức năng và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Đồng thời, cần nâng cao chế tài xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm, góp phần bảo vệ môi trường.