Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra, xử lý thông tin Diễn đàn Doanh nghiệp nêu về vi phạm Luật Đê điều tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
Vừa qua, Diễn đàn Doanh nghiệp phản ánh: Hàng chục bãi than chất cao như núi trên địa bàn huyện Kim Thành (Hải Dương) tồn tại nhiều năm bất chấp yêu cầu giải tỏa của chính quyền địa phương, ảnh hưởng đến dòng chảy, vi phạm Luật Đê điều, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan chức năng kiểm tra thông tin DĐDN nêu, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có theo đúng quy định của pháp luật.
Điều tra của PV DĐDN đã chỉ ra, hàng chục bãi than được chất cao như núi, nằm sát mép sông, vi phạm hành lang thoát lũ giữa mùa mưa lũ tại ngã 3 sông Kinh Môn (dưới chân cầu Mây), huyện Kim Thành, Hải Dương. Đáng nói, các bãi kinh doanh, chế biến than này đều chưa được cấp phép, không nằm trong quy hoạch. Mặc dù, chính quyền địa phương đã nhiều lần xử phạt hành chính, yêu cầu giải tỏa, trả lại hiện trạng ban đầu nhưng chúng vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm, thách thức dư luận.
Ông Nguyễn Văn Đức – Hạt trưởng Hạt đê điều Kim Thành cho biết, có 05 hộ đang hoạt động kinh doanh, chế biến than không được cấp phép tại chân cầu Mây, các bãi than nêu trên thuộc 03 xã: Xã Cộng Hoà, Thượng Vũ (Kim Thành), xã Cộng Hòa (Nam Sách). Các hộ trên hoạt động từ năm 2010 tới nay, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, Hạt quản lý đê điều đã nhiều lần ra văn bản xử phạt, các hộ nộp phạt rồi lại đâu vào đấy.
Có mặt tại khu vực bến bãi thuộc các xã Cộng Hòa, Thượng Vũ… (huyện Kim Thành), PV ghi nhận sự xuất hiện nhiều núi than nằm ngay sát mép sông cùng hoạt động ra vào tấp nập của các phương tiện, những tàu chở đầy than vừa cập bãi.
Liên quan đến việc những bãi than được chất cao như núi, hoạt động không phép nhiều năm mà không hề bị xử lý, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Cộng Hòa. Ông Đoàn Hữu Niệp – Địa chính xã cho biết, trên địa bàn xã chỉ có duy nhất một hộ được UBND huyện Kim Thành cho thuê đất ngoài bãi với mục đích kinh doanh vật liệu xây dựng là ông Nguyễn Văn Phẩm.
"Tuy nhiên, ngày 12/4/2019, Hạt quản lý đê điều huyện Kim Thành đã ra Quyết định Số 17/QĐ-QLD đình chỉ hoạt động đối với hộ ông Nguyễn Văn Phẩm do kinh doanh, chế biến than không phép, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều" – ông Niệp cho biết thêm.
Cùng chung tình trạng của xã Cộng Hòa, xã Thượng Vũ cũng có cả chục núi than không phép ngang nhiên hoạt động trong nhiều năm mà không hề bị xử lý? "Trước thực trạng trên, ngày 30/6/2020, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kim Thành đã ra văn bản số 02, yêu cầu các bến bãi ngoài đê nằm trên hành lang thoát lũ di chuyển hết máy móc, trang thiết bị, vật liệu, tháo dỡ nhà tạm trước này 20/7/2020. Tuy nhiên, đến nay việc giải tỏa vẫn chưa được nhiều" – ông Nguyễn Văn Đức cho biết.
Nói về những cái khó trong công tác xử lý, ông Đức chia sẻ, theo quy định, cơ quan quản lý đê điều chỉ thông báo, các hộ không chấp hành thì các bước tiến hành xử lý tiếp theo thuộc về chính quyền địa phương. Chúng tôi không có lực lượng để cưỡng chế. Cũng đã nhiều lần chúng tôi có va chạm với người vi phạm, thậm chí bị đe doạ trong quá trình kiểm tra, xử lý.
Được biết, hiện trên địa bàn huyện Kim Thành có gần 20 cơ sở kinh doanh, chế biến than. Hầu hết các điểm, bến bãi, cơ sở kinh doanh than đều chưa đáp ứng điều kiện. Dư luận người dân tại đây đang rất bức xúc và đặt câu hỏi, các bãi than ngang nhiên tồn tại một cách không phép, là do chính quyền huyện Kim Thành bất lực hay có sự buông lỏng quản lý?
Ông Phạm Đức Luận - Vụ trưởng Vụ đê điều, Bộ NN&PTNT:
Luật Đê điều quy định rất cụ thể về việc phân cấp và chịu trách nhiệm về quản lý đê điều, trong đó, các địa phương để xảy ra sai phạm, vi phạm liên quan đến hành lang đê, gây ảnh hưởng, mất an toàn hành lang đê điều, phải thực hiện xử lý nghiêm, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật Đê điều hiện nay diễn biến vô cùng phức tạp, trong đó, nhiều hiện trạng đã diễn ra, sau thanh tra, kiểm tra, Cục cũng đã có văn bản thông báo, đôn đốc gửi xuống các địa phương xử lý.
Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN:
Nhà nước có nhiều quy định về việc quản lý đê điều, ngoài Luật Đê điều thì mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Trong đó nhấn mạnh, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý đê điều, thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.