Xuất khẩu hàng hóa duy trì tăng trưởng khả quan

Trọng Tuấn 04/09/2019 15:17

Kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa sau 8 tháng năm 2019 dù thấp hơn cùng kỳ nhưng được nhận định là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biến phức tạp.


Xuất khẩu tăng trưởng ổn định

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 ước tính đạt 24,5 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng ước tính đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù đây là mức tăng thấp, nhưng cho thấy nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biễn phức tạp.

Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của khu vực kinh tế trong nước tăng 13,9% (đạt 52,04 tỷ USD), cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 117,94 tỷ USD, tăng 4,6%. Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,8%). Sau 8 tháng, có 26 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 89,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, chiếm 83,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm đều đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép các loại, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt và may mặc...

Dệt may duy trì tốc độ tăng trưởng trong 8 tháng

Dệt may duy trì tốc độ tăng trưởng trong 8 tháng

Dệt may là một trong những nhóm hàng duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong những tháng đầu năm với kim ngạch đạt 21,7 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam khẳng định, dệt may vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong những tháng đầu năm. Về thị trường, cùng với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU vừa được ký kết, EU đang giữ vững vị trí là thị trường có tính chiến lược trọng điểm, lâu dài, vì các đơn hàng dệt may của EU là dòng hàng có giá trị gia tăng cao hơn các thị trường khác.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản lần lượt giảm 7,2% và 8% so với cùng kỳ năm 2018.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nông sản là do nhiều quốc gia đã chủ động nguồn cung, hạn chế nhập khẩu. Chưa kể, sau một thời gian tăng cao, hiện nay giá XK nhiều loại nông sản đang dần giảm xuống, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nông sản chung.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ: “Việc Trung Quốc - thị trường lớn nhất của nông sản Việt đang tăng cường siết chặt nhập khẩu qua biên giới cũng gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nông sản nói chung”.

Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản

Trong những tháng cuối năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ... 

Cụ thể, các dòng sản phẩm điện thoại của Samsung dự kiến ra mắt vào quý III/2019 sẽ hỗ trợ cho ngành sản xuất điện thoại và linh kiện trong khi giai đoạn Lễ Tạ ơn và Giáng sinh (quý IV) là cao điểm cho mua sắm tiêu dùng. Chưa kể, kim ngạch xuất khẩu trong quý III/2019 dự báo có xu hướng cao hơn so với quý II/2019 do nhiều mặt hàng bước vào thời kỳ cao điểm xuất khẩu. Theo chu kỳ, xuát khẩu hàng hóa thường tăng cao trong những tháng cuối năm do đây là thời kỳ cao điểm cho mua sắm tiêu dùng trong các dịp Lễ tết.

Tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, hiện nay, các Bộ ngành, địa phương đã chủ động vào cuộc trong việc tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hàng loạt các hội nghị xúc tiến thương mại nông sản địa phương như vải Lục Ngạn, nhãn Sơn La... đã được các địa phương biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai đăng cai tổ chức. Hải quan các địa phương này cũng làm tốt việc tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa và hiện nay, không còn xuất hiện tình trạng ùn tắc, dồn ứ cục bộ ở các cửa khẩu.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thông tin, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc ngay trong tháng 9 để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường này. Ngoài Trung Quốc, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các DN đẩy mạnh mở cửa các thị trường Việt Nam đã có FTA để được hưởng ưu đãi về thuế.

Tuy đã mở cửa về thuế quan nhưng cái khó của nhiều mặt hàng nông sản hiện nay là mở cửa kỹ thuật vì đây là công cụ để các nước quản lý và bảo vệ sản phẩm của họ. Cho nên thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục khuyến cáo người nông dân tổ chức sản xuất theo hướng liên kết vùng nhằm có được nguồn cung hàng hóa ổn định, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tháng 8, cả nước ước tính xuất siêu 1,7 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2019 ước tính xuất siêu 3,4 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu hàng hóa duy trì tăng trưởng khả quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO