48,6 tỷ USD là dấu mốc rất đáng ghi nhận của xuất khẩu nông sản Việt Nam trong một năm đầy “giông bão. Đây là bước tạo đà để xuất khẩu nông sản tiếp cận với vận hội mới, vươn tới thành công mới...
>>Nhận diện, giải pháp cho xuất khẩu nông sản
Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Năm 2021 - ngành rau quả tiếp tục gặt hái thành công trên thị trường quốc tế, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 3,52 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch tại hầu hết các thị trường chính đều tăng.
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm G.C Nguyễn Văn Thứ cho biết, doanh thu tính đến tháng 11/2021 của công ty khoảng 200 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cả năm trước.
“Những ngày vừa qua, chúng tôi vừa có chuyến khảo sát tại tỉnh Đắk Lắk để chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy cấp đông củ - quả có tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng vào đầu năm 2022", Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm G.C cho biết.
Đáng chú ý, mặt hàng gỗ và lâm sản xuất khẩu cũng có một năm vượt “bão” đầy ấn tượng. Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Ngô Sỹ Hoài nhận định: 2021 là một năm đầy biến động, có thời điểm các cơ sở sản xuất đồ gỗ phải đóng cửa, thu hẹp quy mô... Tuy nhiên, với sự chuyển đổi linh hoạt trong sản xuất cũng như khai thác thị trường nên mặt hàng gỗ và lâm sản đã có được những thành tựu đáng ghi nhận. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt khoảng 15,8 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước - vượt xa so với mục tiêu đề ra từ đầu năm 2021 là 14 tỷ USD...
Không chỉ các nhóm hàng gỗ và lâm sản, rau quả… thủy sản, sản phẩm chăn nuôi… cũng có sự tăng trưởng đáng ghi nhận. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, ngành NN&PTNT đã về đích trước hạn 1 tháng và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 6,6 tỷ USD. Điển hình xuất khẩu nhóm nông sản chính như rau quả, cà phê, cao su… ước đạt hơn 21,49 tỷ USD, tăng 13,5%; thủy sản đạt trên 8,9 tỷ USD, tăng 5,6%; chăn nuôi ước đạt 434 triệu USD, tăng 4%...
>>Ùn tắc nông sản biên giới: Xây dựng chiến lược quốc gia về xuất khẩu nông sản
Trong câu chuyện xoay quanh dấu ấn thành công của xuất khẩu nông sản Việt Nam trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Ngay sau những ngày thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã khẩn trương chuyển trạng thái, huy động tổng lực cho sản xuất, hoàn thành các đơn hàng cuối năm. Sự hồi phục này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; đồng thời cho thấy sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều khó khăn.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết: Hiện tại các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 43,1% thị phần xuất khẩu nông sản Việt Nam, châu Mỹ là 29,6%, châu Âu là 11,5%... Và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt hơn 11,9 tỷ USD (chiếm 27,5%), trong đó nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này.
Thứ hai là thị trường Trung Quốc với gần 8,4 tỷ USD (chiếm 19,2%), với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm tới 23,3%. Thứ ba là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD (chiếm 6,9%); thứ tư là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,9 tỷ USD (chiếm 4,4%)…
“Việc chuyển dịch xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng đã giúp nông sản Việt Nam nâng cao giá trị, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế...” - ông Nguyễn Quốc Toản nhận định.
Ở điểm nhìn khác, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng: Sự chủ động của doanh nghiệp Việt Nam từ sản xuất đến thị trường trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia đã đem đến thành công cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Đơn cử với rau quả, sự chuyển dịch sang chế biến không chỉ phù hợp với bối cảnh hiện tại mà còn tạo được hướng đi mới, bền vững cho mặt hàng này. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ rau, trái cây thứ 9 trên bảng “xếp hạng” của thế giới. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân của mặt hàng này trong giai đoạn 2016-2020 là 22,15%/năm, từ 424,17 triệu USD năm 2016 lên 929,78 triệu USD năm 2020…
Là doanh nghiệp có sự tăng trưởng xuất khẩu lớn trong năm 2021, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Đức Thành Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết: Năm 2021 xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ của công ty tăng 20% so với năm trước đó. Điều đáng ghi nhận là hầu hết các sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
2021 - một năm đầy biến động, một năm “giông bão” với dịch bệnh bủa vây, thị trường nông sản có lúc bị “đóng băng” nhiều nơi, nhiều chuỗi nông sản thế giới bị đứt gãy… song, nông sản Việt Nam đã vươn lên để khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng nông sản cho thế giới.
Đây là thành công rất đáng ghi nhận, cũng là điểm tựa để xuất khẩu nông sản nói riêng, kinh tế nông nghiệp nói chung vươn tới những thành công mới, khẳng định vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế trong bối cảnh thách thức vẫn đang ở phía trước.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 31/01/2022
11:29, 23/01/2022
04:00, 11/01/2022
02:22, 06/12/2021
20:36, 23/09/2021