Với sự góp mặt của 2 hiệp định thương mại tự do VJEPA và AJCEP cùng với triển vọng kinh tế Nhật Bản tích cực, xuất khẩu mặt hàng nông, thủy sản được dự báo có nhiều điểm sáng trong năm 2018.
Theo Cục xuất nhập khẩu, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai về rau quả của Việt Nam, đứng thứ ba về thủy sản và cũng là thị trường tiềm năng cho một số mặt hàng nông sản khác như hạt điều, chè, thủ công mỹ nghệ.
Xuất khẩu nông, thủy sản sang Nhật Bản năm 2017 đạt 1,73 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2016, trong đó rau quả tăng mạnh 69,3%, đạt 127,2 triệu USD. Tuy nhiên, Nhật Bản là thị trường yêu cầu cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và đặt nhiều biện pháp và rào cản kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu.
Nhu cầu tiêu thụ nông thủy sản của Nhật Bản được dự báo tăng tích cực do nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn nhiều so với kỳ vọng. Người tiêu dùng Nhật Bản có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động ăn uống bên ngoài, do vậy các mặt hàng như tôm, cá ngừ, mực và bạch tuộc, rau quả chế biến, cà phê, hạt điều... sẽ tăng trưởng thời gian tới.
Xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản tăng bình quân 2 con số thời gian qua, trong đó tôm là mặt hàng tăng trưởng tốt nhất. Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản tương đối cao, đạt 67,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Với Hiệp định VJEPA, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 83,8% xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong vòng 10 năm. Các sản phẩm từ Việt Nam được Nhật Bản đảm bảo ưu đãi cao nhất (so với các nước ASEAN khác) bao gồm: mật ong, gừng, tỏi, vải, sầu riêng, tôm và cua.
Nhật Bản giảm thuế 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với mây tre đan, đũa dùng 1 lần, chè đen, quả đông lạnh và quả sấy, rau tươi hoặc đông lạnh (bắp cải, hành tăm, nấm, mộc nhĩ, đậu tây), tôm tươi và đông lạnh các loại ghẹ, cua
Đối với tôm, Việt Nam là đối tác cung cấp lớn nhất cho Nhật Bản với thị phần 27%, đặc biệt đối với sản phẩm tôm sơ chế lột vỏ để đuôi, tôm để vỏ nguyên liệu đông lạnh.
Các sản phẩm tôm chế biến sẵn với tính tiện dụng cao sẽ tăng trưởng tốt thời gian tới do ngành kinh doanh thực phẩm ăn sẵn của Nhật Bản phát triển khi số người độc thân gia tăng, tỷ lệ nội trợ giảm. Bên cạnh đó, đồng Yên Nhật tăng giá, tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp chế biến Việt Nam gia tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để tận dụng cơ hội thị trường.
Tương tự, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp, mực và bạch tuộc ướp lạnh hoặc đông lạnh có khả năng xuất khẩu tốt. Tuy nhiên, về dài hạn, các sản phẩm này sẽ phải cạnh tranh về giá với Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Peru, Trung Quốc, Maroc.
Mặc dù cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam tuy nhiên đây không phải là mặt hàng định hướng xuất khẩu tại thị trường này do thói quen ít tiêu dùng cá nước ngọt của người dân Nhật Bản.
Đối với mặt hàng rau quả, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2017 đạt 13,3%/năm. Nhu cầu của Nhật Bản đối với trái cây tươi nhiệt đới như chuối, thanh long, xoài, vải, măng cụt ngày càng gia tăng. Hiện Việt Nam đã được phép xuất khẩu thanh long (ruột đỏ, ruột trắng), xoài, chuối, dừa sang thị trường.
Tuy nhiên, trừ thanh long còn dư địa tăng trưởng tốt do đáp ứng tốt về thị hiếu và chất lượng, các loại trái cây tươi khác đều kém cạnh tranh so với các nước về giá do cước phí vận chuyển hàng không và chi phí bảo quản lạnh của Việt Nam cao hơn. Các sản phẩm rau quả chế biến từ xoài, vải, dứa, đậu lông, súp lơ, khoai lang... của Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản.