Trước nguy cơ “chảy máu” nguồn tài nguyên khoáng sản đá hoa trắng dạng thô xuất đi nước ngoài, các doanh nghiệp chế biến thành dạng bột siêu mịn trong nước như ngồi trên đống lửa.
Họ cho rằng, nếu không có giải pháp ngăn chặn, theo đà ồ ạt xuất thô như thời gian qua thì nguy cơ cạn kiệt nguồn nguyên liệu là tài sản quốc gia sẽ hiện hữu trong nay mai. Vậy nhưng, khi kiến nghị này gửi tới các Bộ, ngành Trung ương, họ vẫn không nhận được câu trả lời xác đáng để vơi đi nỗi lo lắng bấy lâu của mình.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên tục phản ánh ở 02 kỳ trước, tại địa bàn Nghệ An (nơi có trữ lượng lớn đá hoa trắng tập trung tại huyện Quỳ Hợp), chỉ tính riêng năm 2020 khối lượng xuất khẩu đá hộc trắng thô là 1,246 triệu tấn, thu được gần 24 triệu USD. Trong khi đó, đá hoa trắng xay thành bột siêu mịn xuất khẩu chỉ có gần 590 nghìn tấn nhưng nguồn ngoại hối thu về đạt được 47 triệu USD.
Nhìn vào số liệu này cho thấy chỉ có khoảng hơn 32% đá trắng xuất khẩu đã qua tinh chế thành bột, còn lại tới gần 68% là đá hộc thô. Nghĩa là, Nghệ An đang “bán non” khối lượng lớn đá hoa trắng dạng cục, chưa qua tinh chế mỗi năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nguồn ngoại tệ thu về từ việc xuất đá thô đạt tỷ lệ thấp so với giá trị kinh tế mà loại mặt hàng này đương nhiên có.
Tình trạng này đang tồn tại trên địa bàn Nghệ An gần chục năm nay nhưng địa phương vẫn đang loay hoay tìm giải pháp. Còn gần 20 doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để tham gia chế biến đá hoa trắng thành bột siêu mịn thì vẫn phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường hiện nay.
“Cực chẳng đã”, vào cuối năm 2019, đại diện một số doanh nghiệp ở Nghệ An đã có văn bản “kêu cứu” ra các Bộ, ngành Trung ương, thậm chí gửi thẳng lên cho Văn phòng Chính phủ.
Tuy nhiên, trong văn bản trả lời doanh nghiệp vào ngày 11/10/2019, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) lại cho rằng, trữ lượng đá hoa trắng hiện nay ở Việt Nam rất lớn, lên tới hàng tỷ tấn, thậm chí dự báo hàng chục tỷ tấn…
“Theo thành tạo tự nhiên, loại đá có chất lượng cao (độ trắng ≥ 95%) chiếm khoảng 25-30%, còn lại 70-75% là đá có chất lượng trung bình và thấp (độ trắng < 95%). Hiện nay tổng công suất các mỏ đã cấp phép trên 23 triệu tấn/năm (khai thác thực tế khoảng 5-6 triệu tấn/năm, tương ứng 20-25% công suất); có trên 30 nhà máy chế biến đột đá mịn và siêu mịn với công suất 2,0 triệu tấn/năm, không sử dụng hết đá đã khai thác” – Văn bản do ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) trả lời.
Cũng theo Cục Công nghiệp, đá hộc theo phản ánh của doanh nghiệp thì trong các văn bản pháp luật không có quy định cụ thể về kích thước. Và, trong xây dựng đá hộc thường được hiểu có kích thước từ 100-300mm; theo quy định tại Thông tư số 12/2016/TT-BCT ngày 05/7/2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 của Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu khoáng sản, đá hoa trắng dạng bột và dạng cục kích thước 1-400mm nằm trong danh mục khoáng sản được xuất khẩu (đá hoa trắng dạng cục có độ trắng ≥95% xuất khẩu đến hết năm 2020).
“Bộ Công Thương ghi nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp,… Bộ Công Thương sẽ xem xét về chính sách xuất khẩu đối với đá hoa trắng dạng cục” – Cục Công nghiệp cho biết.
Vậy nhưng, đến nay, theo phản ánh của một số doanh nghiệp chế biến đá hoa trắng siêu mịn trên địa bàn Nghệ An thì việc xuất khẩu đá thô dạng cục vẫn chưa có động thái được kiểm soát.
Có thể bạn quan tâm