Xuất khẩu tôm, cá gặp khó: "Vỡ mộng" 10 tỷ USD?

Linh Nga 23/10/2019 01:00

2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đang rơi vào thế khó khiến nhiều dự báo cho rằng xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam năm nay khó mang về 10 tỷ USD như mục tiêu đề ra.

Giá cá tra trong nước đang giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, còn tôm Việt Nam phải canh trạnh gay gắt về giá với các đối thủ là Thái Lan, Ấn Độ khi các nước này đang trúng mùa đậm.

Tôm, cá gặp khó

Theo Vasep, tính đến hết tháng 9/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,46 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 9/2019, giá trị xuất khẩu cá tra giảm tiếp 14,6%, trong đó, giá trị xuất khẩu sang nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Brazil, Mexico, Colombia cũng giảm sút mạnh.

Cho tới cuối tháng 9/2019, Trung Quốc - Hồng Kông đang là thị trường trọng điểm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Thị trường này chiếm tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong cơ cấu xuất khẩu cá tra Việt Nam. 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông đã chiếm tới 30,9% tổng giá trị cá tra xuất khẩu, đạt 450,7 triệu USD, tăng 19,6% so với 9 tháng đầu năm 2018. Với giá trị xuất khẩu này, thị trường Trung Quốc - Hồng Kông  đang lớn gấp đôi thị trường xuất khẩu cá lớn thứ 2 là Mỹ.

Tính đến hết tháng 9/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 đạt 208,3 triệu USD, chiếm 14,3% tổng giá trị  xuất khẩu cá tra, giảm 43,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài đã gây thiệt hại cho ngành sản xuất cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ và nhiều nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam hi vọng sẽ gia tăng cơ hội tại thị trường này. Tuy nhiên, trái với dự đoán, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn giảm do rào cản thương mại và kỹ thuật vẫn ngăn cản tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này", VASEP cho hay.

Nửa đầu năm nay, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái, do vậy xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục xu hướng sụt giảm từ năm 2018.

Bên cạnh đó, tôm Việt Nam còn gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các nước Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan. Các nước này tiếp tục được mùa tôm, giá thành sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào. Những tác động này đã ảnh hưởng ít nhiều đến giá tôm trong nước. 

Trong khi đó, giá thành sản xuất tôm nước ta vẫn cao hơn so với các nước khác. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65-70% giá thành nuôi tôm công nghiệp, đồng thời nguồn thức ăn qua nhiều khâu trung gian nên tăng 20-30% so với giá gốc). Một số doanh nghiệp nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ có giá rẻ hơn dẫn đến tôm nguyên liệu trong nước bị cạnh tranh, dư cung.

EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 23% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường này trong nửa cuối năm chưa thể phục hồi.

Liệu có khởi sắc?

Các chuyên gia nhận định, 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đang rơi vào thế khó khiến xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam năm nay khó mang về 10 tỷ USD như mục tiêu đề ra.

Sau một thời gian dài tăng trưởng ổn định, trở thành lĩnh vực xuất khẩu chủ lực trong ngành nông nghiệp khi đem về hơn 9 tỷ USD năm 2018, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đang dần đuối sức và bắt đầu sụt giảm.

Trước chiều hướng xuất khẩu ngày càng giảm như hiện nay, đặc biệt, 3 tháng cuối năm dự báo vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn thì mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là khó hoàn thành.

Theo Vasep dự báo, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong quý IV còn tiếp tục giảm. Đây là năm, xuất khẩu cá tra sang Mỹ không như mong đợi của nhiều doanh nghiệp.

Điều đáng tiếc là, tính đến hết tháng 9/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang ba thị trường tiềm năng là: Mexico, Brazil và Colombia vẫn chìm trong sự sụt giảm từ đầu năm. Dự báo, từ nay tới cuối năm, giá trị xuất khẩu sang các thị trường này vẫn nằm ngưỡng tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2018.

Ngoài ra, ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp cũng tác động không nhỏ đến giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm và cả năm 2019.

Còn theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo xuất khẩu hai mặt hàng chủ lực trong lĩnh vực thuỷ sản là tôm và cá tra sẽ giảm mạnh. Cụ thể, tôm cả năm 2019 sẽ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt 2,23 tỷ USD giảm 3% so với năm 2018.

Năm 2019, ngành thủy sản được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường giao chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Để đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra, ngành thủy sản từ nay tới cuối năm sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu tôm, cá gặp khó: "Vỡ mộng" 10 tỷ USD?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO