Y học và biện chứng pháp

Trương Khắc Trà 26/02/2020 15:01

Người thầy thuốc trên bước đường hoạt động của mình đều đụng chạm đến các quy luật của phép biện chứng.

Những quy luật này biểu hiện trong hoạt động của cơ thể lành mạnh cũng như cơ thể bị bệnh…

Trong tự nhiên còn tồn tại 1,7 triệu chủng Virus mà con người chưa biết tới, không thuốc chữa

Trong tự nhiên còn tồn tại 1,7 triệu chủng Virus mà con người chưa biết tới, không thuốc chữa

Cơ thể sống, sự hoạt động của nó là thống nhất biện chứng giữa các mặt đối lập. Vấn đề này, chủ nhân giải Nobel sinh lý và Y khoa năm 1904, I.P. Pavlov đã nói: “Tất cả hành động của sinh vật đều là do sự cân bằng giữa quá trình hưng phấn và ức chế.

Các quá trình này, với tất cả các mặt đối lập của nó có thể coi như hai nửa của một hoạt động thần kinh”.

Thỉnh thoảng giới Y học “tạm thời” bó tay vì sự xuất hiện của một hiện tượng bệnh học lạ lùng. Những sự cố Y học như vậy xuất hiện rất sớm trong lịch sử. Trường hợp đầu tiên được ghi chép lại là năm 430 trước Công nguyên - dịch thương hàn làm sụp đổ cơ bản đại thành phố Athens, trung tâm của văn minh nhân loại lúc bấy giờ.

Dịch COVID-19 lần này cũng là một hiện tượng tương tự, chủng Virus này được cho xuất xứ từ động vật hoang dã, cộng hưởng với môi trường vệ sinh yếu kém nên bùng phát thành đại dịch. 

Những gì chúng ta có thể làm lúc này là ngăn chặn COVID-19 đi vào hệ hô hấp bằng chiếc khẩu trang, nước sát khuẩn, cách ly người bệnh và điều trị bằng cách tăng đề kháng cơ thể. Và khi COVID-19 sinh ra “phiên bản” mới, loài người lại hốt hoảng! 

Theo một đánh giá sơ bộ, trong tự nhiên còn tồn tại 1,7 triệu chủng Virus mà con người chưa biết tới, không thuốc chữa, tương tự COVID-19. Sẽ ra sao nếu hàng triệu mối họa lần lượt giáng xuống con người? Làm gì để phòng bệnh từ xa, trị bệnh từ bản chất? 

Ngay lúc này và có thể nhiều chục năm nữa, mấy câu hỏi rất triết học như trên không dễ có câu trả lời. Bởi con người đã quá tham lam đánh chiếm mọi ngóc ngách trên quả địa cầu nhằm phục vụ cho nhu cầu vô hạn định của mình. COVID-19, Ebola, SARS - sở dĩ có mặt gây họa là do con người vô tình phạm phải “lãnh địa” của chúng.

Hàng ngàn năm trước, triết học đã khuyên ngăn “con người hãy nhận biết vai trò và vị trí của mình trong thế giới này”; triết lý nhà Phật xem tất cả đều là “chúng sinh” có quyền hạn cơ bản để tồn tại và phát triển. Rất tiếc! Loài người ngạo mạn vội vàng xem mình là “chúa tể muôn loài”. 

Tự nhiên là một thể thống nhất biện chứng, trong đó có chuỗi cộng sinh, phái sinh, ký sinh, chuỗi thức ăn giúp duy trì trật tự. Chúng không hoàn toàn là ngẫu nhiên, chẳng phải hiện tượng, tất cả đều vận động khách quan đúng quy luật mà triết học đã khái quát.

Vì sao ngày càng có nhiều căn bệnh không thể trị khỏi bằng Tây y? Vì thuốc Tây chú trọng điều trị hiện tượng, bệnh ở đâu xử lý ở đó, thậm chí thay thế nội tạng, cắt bỏ bộ phận, đó là quá trình trị bệnh siêu hình. 

Còn Đông y tích hợp sẵn “âm dương, ngũ hành” hướng vào bản chất, sửa lỗi hệ thống, tác động sâu rộng vào lục phủ ngũ tạng, giúp điều hòa khí huyết, hòa hợp thiên nhiên tự khắc khỏe mạnh, ít để lại tác dụng phụ, đây mới là biện chứng. 

Chưa thể kết luận Đông y hay Tây y mới là tuyệt đối, song một khi lý thuyết biện chứng cho thấy sự khách quan, khoa học thì Y học biện chứng sẽ trở thành phương pháp bảo vệ sức khỏe ưu việt hơn cả. 

Người thầy thuốc trên bước đường hoạt động của mình đều đụng chạm đến các quy luật của phép biện chứng. Những quy luật này biểu hiện trong hoạt động của cơ thể lành mạnh cũng như cơ thể bị bệnh. 

Phép biện chứng trong Y học không cần “sự đồng ý” của bản thân thầy thuốc mà nó “nhảy vào” hoạt động tự nhiên hàng ngày của thầy thuốc một cách tự phát. Đó là những vấn đề thuộc về phương pháp luận chung nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Y học và biện chứng pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO