Cuộc đời của mỗi con người trên trần thế chỉ là tạm thời, và người ta sống vì cái gì không ai có thể biết được, mặc dù thỉnh thoảng ta vẫn tự cho là mình có cảm thấy được ý nghĩa đó.
Nếu nhìn nhận từ cuộc sống hằng ngày mà không đi sâu hơn, ta có thể cho rằng ta sống vì những người xung quanh ta, vì đồng loại mà trước tiên là những người mà nụ cười và cuộc sống đầy đủ của người ấy là niềm hạnh phúc của ta, tiếp đến là những người mà ta không biết cụ thể nhưng số mệnh của ta gắn với họ bằng niềm cảm thông.
Hằng ngày tôi thường tự nhủ cả trăm lần rằng cuộc sống nội tâm và ngoại tâm của tôi là nhờ vào thành quả lao động của biết bao người, những người đang sống và cả những người đã chết, và rằng tôi phải nỗ lực để cho đi một cách thỏa đáng với những gì tôi đã được hưởng và vẫn đang được hưởng. Tôi thực sự muốn sống một cuộc sống đơn giản, và hay bị dằn vặt bởi suy nghĩ mình đang được hưởng quá nhiều từ đồng loại. Tôi coi sự phân biệt giai cấp là trái với lẽ công bằng, mà suy cho cùng là do sức mạnh quyền lực tạo ra. Tôi cũng cho rằng một cuộc sống giản dị là một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người cả về thể chất lẫn tinh thần.
Albert Einstein năm 1921. Ảnh: F Schmutzer
Xét theo bình diện triết học thì tôi là một người hoàn toàn hoài nghi về tự do của con người. Mọi người chúng ta hành động không chỉ do những yêu cầu từ bên ngoài mà còn do những đòi hỏi của nhu cầu bên trong. Câu nói của Sopenhauer rằng "một người có thể làm được nếu anh ta muốn. và không thể làm được nếu anh ta muốn thế ", đã là nguồn cảm hứng cho mọi hành động của tôi từ thời thanh niên, động viên tôi, cho tôi lòng kiên trì bền bỉ đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống của bản thân và của những người khác. Suy nghĩ đó một cách khoan hòa đã làm nhẹ đi áp lực của ý thức trách nhiệm vốn dễ khiến chúng ta mất tính năng động. Nó cũng khuyên ta không nên gò ép, lúc nào cũng bắt mình phải nghiêm túc quá mức cần thiết, khi mà trong cuộc sống những phút nhìn đời bằng con mắt hài hước cũng có vị trí quan trọng không kém.
Tìm hiểu ý nghĩa hay mục đích tồn tại của một thực thể nói chung theo ý kiến chủ quan của tôi dường như là một câu hỏi vô lý với tôi. Thế nhưng mỗi người có một lý tưởng riêng soi đường đi cho những nỗ lực và lẽ phải của riêng người đó. Xét theo phương diện này tôi hoàn toàn không coi sự nhàn hạ hay niềm hạnh phúc là cái đích cuối cùng của mình, thậm chí tôi cho những chuẩn mực cơ bản ấy chỉ phù hợp với bầy heo mà thôi. Lý tưởng soi sáng của tôi và luôn cho tôi nguồn sức mạnh để sống vui vẻ trước những khó khăn của cuộc đời là cái Chân, Thiện, Mỹ. Nếu không có tình bằng hữu với những người đồng chí hướng, những trăn trở nhằm thực hiện những mục tiêu đề ra, những khao khát vươn tới nghệ thuật và nghiên cứu khoa học, thì cuộc sống với tôi quả là vô nghĩa.
Uớc vọng của tôi về công bằng xã hội và ý thức trách nhiệm xã hội luôn đối lập với việc tự do vùi dập nhu cầu giao tiếp trực tiếp với người khác, với cộng đồng người khác Tôi tự đi trên lối của riêng mình, trái tim tôi chưa bao giờ hoàn toàn thuộc về đất nước tôi, quê hương tôi, bạn bè tôi, và ngay cả cái gia đình nhỏ của riêng tôi, và trong tất cả những mối quan hệ gắn bó ấy tôi chưa bao giờ từ bỏ ý định ngoan cố sống tách rời, muốn được sống cô độc - những ý nghĩ cứ lớn dần theo năm tháng. Một người luôn tỉnh táo sắc sảo nhận ra hạn chế của khả năng hiểu và thông cảm lẫn nhau mà không bao giờ ân hận. Một người như vậy chắc chắn có đánh mất lòng tốt và sự ngây thơ theo một cách nào đó, nhưng mặt khác con người ấy không bị ảnh hưởng bởi quan điểm, thói quen và những phán xét của người khác, tránh được sự cám dỗ phải xoay theo những cơ sở không có gì là chắc chắn ấy.
Lý tưởng chính trị của tôi là nền Dân chủ. Hãy tôn trọng tất cả mọi người, không nên có việc người này được tôn sùng còn người kia lại bị hạ thấp. Chớ trêu thay, chính tôi là người nhận được một lời tán dương và kính trọng quá đáng từ những người xung quanh không phải cho những lỗi lầm hay công lao của tôi. Nguyên nhân của vấn đề hẳn là ở mong muốn (mong muốn này khó thực hiện đối với nhiều người) có thể hiểu được một. hoặc hai điều trong các công trình của tôi mà sức mạnh không cụ thể của những điều ấy tôi có được từ những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ. Tôi hoàn toàn nhận thức được rằng, điều cần thiết đối với bất kỳ thành công của một công việc phức tạp nào là chủ nhân của nó phải thực hiện được những ý tưởng đã đề ra, định hướng và chịu trách nhiệm chung về nó.
Nhưng không được ép buộc những người đi theo, mà phải để họ có quyền chọn cho mình người cầm lái. Mọi người phải có quyền bầu ra người lãnh đạo cho mình. Một thể chế chuyên chế để áp bức, theo tôi sẽ sớm bị thoái hoá trong một thời gian ngắn, tôi tin chắc như vậy. Bởi bạo lực luôn hấp dẫn những kẻ thấp kém về đạo đức, và tôi tin rằng đã thành quy luật: nối nghiệp những tên bạo chúa thiên tài luôn là những tên khốn kiếp. Vì lý do đó, tôi luôn là người quyết liệt chống lại những hệ thống như vậy, những hệ thống mà chúng ta đang thấy ở Ý và Nga hiện nay. Cái làm cho nền dân chủ ở châu Âu hôm nay rơi vào bê bối không phải là bản thân lý tưởng dân chủ, mà là sự thiếu ổn định của một bộ phận lãnh đạo của các chính phủ và tính nhân cách của thể chế bầu cử*). Về mặt này, tôi cho rằng nước Mỹ đã có lựa chọn đúng: họ có một Tổng thổng có trách nhiệm, được bầy cho một thời gian đủ dài và có đủ quyền lực để thực sự đảm nhận được trọng trách. Mặt khác, tôi lại đánh giá cao hoạt động nhà nước của chúng ta về mặt phúc lợi rộng rãi cho cá nhân trong trường hợp đau ốm hay khó khăn. Cái mà tôi cho là dù có giá trị đích thực trong các hoạt động của con người không phải là nhà nước, mà là cá thể sáng tạo và cá thể cảm nhận, là cá nhân: Chỉ cá nhân mới vượt lên, tạo dựng được những giá trị chân quý và cao cả, trong khi bầy đàn, xét như bầy đàn, cứ mãi vẫn là trì độn trong tư duy và trì độn trong cảm xúc.
Có thể bạn quan tâm
17:12, 14/04/2018
17:08, 14/04/2018
17:00, 14/04/2018
Nhân đây tôi muốn đề cập đến cái quái thai kinh tởm nhất của bản tính bầy đàn: hệ thống quân đội mà tôi căm ghét. Chỉ cần kẻ nào cảm thấy thích thú khi đứng vào đoàn duyệt binh trong tiếng quân nhạc, tôi đã coi thường rồi, anh ta được trời phú nhầm cho bộ não lớn hơn, bởi với anh ta, chỉ cần cột xương sống thôi là đã quá đủ. Vết nhục này của nền văn minh cần bị loại bỏ càng sớm càng tốt. Chủ nghĩa anh hùng phục tùng mệnh lệnh, bạo lực mù quáng, trò hề ái quốc tởm lợm, tôi căm ghét chúng làm sao. Tôi thà bị băm vằm làm muôn mảnh còn hơn là dự phần vào cái trò khốn nạn đó! Dù sao tôi vẫn luôn nghĩ tốt về nhân loại và tôi tin rằng, lẽ ra bóng ma này đã có thể biến đi từ lâu nếu lý trí lành mạnh của dân chúng không bị những tham vọng về kinh tế và chính trị, thông qua trường học và báo chí, làm cho bại hoại.
Hạnh phúc lớn lao nhất của đời người là gì vẫn còn là một bí ẩn. Đó hẳn là cảm xúc mạnh mẽ của con người lớn lên từ cái nôi của nghệ thuật chân chính và khoa học chân chính. Một người không biết đến cảm giác ấy không còn thấy băn khoăn, hay kinh ngạc trong cuộc đời có khác nào đã chết hay chỉ như ngọn nến đã tắt mà thôi. Trải nghiệm cái bí ẩn - dù có pha trộn cảm giác sợ hãi - cũng chính là trải nghiệm mà tôn giáo đã tạo ra. Hiểu biết về sự tồn tại của một thực thể là điều khó nắm bắt, từ sự hiện hữu của yếu tố tâm linh sâu thẳm đến vẻ đẹp rực rỡ nhất. Tất cả những cái đó chúng ta chỉ có thể giải thích được trạng thái nguyên thủy nhất của chúng - tri thức và cảm xúc về thế giới như vậy chính là nguồn gốc sâu xa của tin ngưỡng. Ở góc độ này, tôi là một tín đồ của tôn giáo. Tôi không có năng lực để hình dung ra đức Chúa Trời, người có quyền phép ban thưởng hay trách phạt những con chiên của Ngài như thế nào, người có ý chí như chúng ta đang có hay không.
Liệu linh hồn còn tồn tại khi mà thể xác đã mất hay không, điều này tôi không thể giải thích nổi, mà tôi cũng không mong muốn điều ngược lại. Những ý niệm về linh hồn là nhằm giải thích cho những nỗi sợ hãi hay thuyết vị kỷ vô lý của những người yếu bóng vía. Bí mật về sự vĩnh hằng của cuộc sống, sự mơ hồ về kiến trúc kỳ diệu của tạo hóa. cùng với những nỗ lực để có thể hiểu được một phần dù chỉ là rất nhỏ lý lẽ của sự tồn tại hiển nhiên của mình trong tự nhiên, đối với tôi như vậy là quá đủ.
Về ý nghĩa cuộc sống
Đâu là ý nghĩa cuộc sống chúng ta, đâu là ý nghĩa cuộc sống của mọi sinh vật nói chung? Biết câu trả lời cho câu hỏi này, nghĩa là có đức tin tôn giáo. Bạn lại hỏi: Có nghĩa gì không khi đặt ra câu hỏi ấy? Tôi trả lời: Kẻ nào thấy cuộc sống của mình và của đồng loại là vô nghĩa, kẻ đó không những chỉ bất hạnh mà còn hầu như không thể sống được.
Giá trị đích thực của một con người
Giá trị đích thực của một con người trước hết được xác định bởi: anh ta đã đạt đến chỗ giải phóng khỏi cái Tôi đến mức độ nào và theo nghĩa gì.
Về của cải
Tôi nghiệm thấy chắc chắn rằng, không của cải nào trên đời này có thể đưa nhân loại tiến lên được, ngay cả khi nó được trao vào tay những người tận tâm nhất. Chỉ có tấm gương của những nhân cách lớn và trong sạch mới dẫn đến những tư tưởng và hành động cao quý. Đồng tiền chỉ kích thích tư lợi và luôn mê hoặc sự lạm dụng.
Ai có thể tưởng tượng ra Moses, Jesus hay Gandhi được trang bị bằng tải tiền của Carnegie hay không?
Cộng đồng và cá thể
Nếu chúng ta ngẫm nghĩ về cuộc đời và nỗ lực của mình, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng, hầu hết những hoạt động và mong muốn của chúng ta đều có quan hệ với sự tồn tại của người khác. Chúng ta nhận ra rằng, về bản chất giống loài, chúng ta cũng giống như những động vật sống theo bầy. Chúng ta ăn thức ăn người khác trồng, mặc quần áo người khác may, sống trong nhà người khác xây. Hầu hết những gì ta hiểu biết và tin tưởng đều do người khác bày cho ta thông qua một ngôn ngữ, mà ngôn ngữ cũng do những người khác tạo ra. Nếu không có ngôn ngữ, khả năng tư duy của chúng ta sẽ rất hạn chế - chỉ tương đương với những động vật cao cấp; vì thế chúng ta phải thừa nhận rằng, để chúng ta hơn được động vật, trước hết chúng ta phải mang ơn vì được sống trong cộng đồng loài người. Một cá thể bị bỏ rời một mình từ khi sinh ra sẽ có suy nghĩ và cảm nhận hoang dã như động vật, đến mức chúng ta khó mà tưởng tượng được. Vậy nên, căn cước và ý nghĩa tồn tại của một cá thể nằm ở chỗ, anh ta không hẳn là một sinh thể đơn lẻ mà là thành viên của một cộng đồng lớn của con người, cộng đồng dẫn dắt đời sống vật chất và tinh thần của anh ta từ khi sinh ra tới khi chết.
Cái làm nên giá trị của một con người trong cộng đồng phụ thuộc trước hết vào việc những tình cảm, suy nghĩ và hành động của anh ta giúp ích được bao nhiêu cho sự tồn tại của người khác. Tuỳ theo thái độ của anh ta trong mối quan hệ này mà chúng ta đánh giá anh ta thuộc loại tốt hay xấu. Thoạt nhìn thì có vẻ là, chỉ duy những phẩm chất xã hội của một con người mới là chuẩn mực cho những đánh giá về anh ta.
Nhưng một quan niệm như vậy thật ra là không đúng. Dễ nhận thấy rằng, trải qua bao thế hệ, tất cả tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ cộng đồng đã được tạo dựng bởi những cá thể sáng tạo đơn lẻ: người tìm ra cách dùng lửa, người tìm ra cách trồng trọt, và người phát minh ra đầu máy hơi nước.
Chỉ cá thể đơn lẻ mới có thể tư duy và qua đó, tạo ra những giá trị mới cho xã hội, vâng, thậm chí đề ra những quy phạm đạo đức mới để đời sống cộng đồng hướng theo. Nếu không có những cá thể sáng tạo, suy nghĩ và phán xét độc lập, thì sự phát triển lên cao của xã hội là khó tưởng tượng; cũng như vậy, một cá thể đơn lẻ sẽ không thể phát triển nếu thiếu mảnh đất dinh dưỡng của cộng đồng.
Vâng, một cộng đồng lành mạnh là một cộng đồng gắn liền với tính độc lập của những cá thể cũng như với sự liên kết bên trong của xã hội. Có nhiều điểm đúng khi nói rằng, nền văn hoá Hy-Âu-Mỹ nói chung, đặc biệt là cao trào văn hoá thời Phục hưng ở Ý – thời chấm dứt đêm trường trung cổ ở châu Âu – đã đặt nền tảng trên sự giải phóng cá nhân và sự tách bạch một cách tương đối giữa cá nhân với cộng đồng.
Bây giờ, hãy nhìn vào thời đại chúng ta đang sống! Cộng đồng được nhìn nhận ra sao, còn cá thể thì thế nào? So với thời trước, mật độ dân số ở các nước văn minh hiện quá cao; châu Âu hôm nay chứa một lượng người lớn gấp ba lần cách đây một trăm năm. Nhưng tỉ lệ những người có tư chất thủ lĩnh lại giảm sút. Chỉ có một số ít người, nhờ thành tựu của mình, nổi lên trước đám đông như một nhân cách. Ở một chừng mực nhất định, tổ chức đã thay thế thủ lĩnh, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật, song cũng đã có thể cảm thấy điều tương tự trong khoa học.
Đặc biệt nhạy cảm, sự thiếu hụt cá tính trong lĩnh vực nghệ thuật đang lộ rõ. Hội hoạ và âm nhạc xuống cấp trông thấy và đang đánh mất ghê gớm sự cộng hưởng trong công chúng. Trong chính trị, không chỉ thiếu người cầm lái mà sự độc lập tinh thần cũng như ý thức về lẽ phải của dân chúng cũng giảm sút khủng khiếp. Chế độ dân chủ nghị trường, chế độ vốn lấy sự độc lập nói trên làm điều kiện tiên quyết, đang bị chao đảo ở nhiều nơi; các chế độ độc tài xuất hiện và được dung dưỡng, bởi ý thức về danh dự và quyền cá nhân không còn đủ mạnh nữa. Chỉ trong hai tuần, vì báo chí, đám đông mù quáng ở một quốc gia nào đó có thể bị làm cho giận dữ và kích động đến nỗi những người đàn ông sẵn sàng khoác áo lính để đi giết người và bị giết vì những mục đích chẳng lấy gì làm cao quý của những thế lực nào đó. Nghĩa vụ quân sự với tôi là dấu hiệu nhục nhã nhất về sự thiếu hụt phẩm giá cá nhân, sự thiếu hụt mà vì nó, nhân loại văn minh của chúng ta đang quằn quại. Chẳng thế mà không thiếu những nhà tiên tri, những kẻ dự báo ngày tàn của nền văn minh chúng ta đang đến gần. Tôi không thuộc số những kẻ bi quan này; tôi tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Ở đây tôi muốn biện giải cho lòng tin ấy một cách ngắn gọn:
Theo ý kiến của tôi, những biểu hiện suy tàn hiện nay bắt nguồn từ chỗ: sự phát triển về kinh tế và kỹ thuật đã khiến cho cuộc đấu tranh sinh tồn của con người càng thêm gay gắt, vì thế, sự phát triển tự do của cá nhân bị tổn hại nặng nề. Nhưng mặt khác, kỹ thuật phát triển lại giúp cá nhân ngày càng phải lao động ít hơn mà vẫn thoả mãn được các nhu cầu chung. Việc phân công lao động có kế hoạch đang ngày càng trở nên một đòi hỏi cấp thiết, và việc phân công này sẽ mang lại sự bảo đảm về vật chất cho từng cá thể. Sự bảo đảm này, cũng như sức lực và thời gian dư ra của các cá thể, sẽ là một lợi thế cho sự phát triển nhân cách. Cộng đồng nhờ thế sẽ khoẻ mạnh trở lại, và chúng ta hãy hy vọng rằng, các sử gia tương lai sẽ nhìn những biểu hiện bệnh tật của thời đại chúng ta như chứng cảm cúm của trẻ con, chứng cảm cúm của một nhân loại đang vươn mình lên cao – mà tất cả chẳng qua cũng do tốc độ chuyển đổi quá nhanh mà ra.
*) Khi nói đến tính phi nhân cách của thể thức bầu ở châu Âu, theo chúng tôi, Einstein muốn phê phán thể thức bầu cử mà ở đó, các đảng phái chính trị có vai trò chính yếu và phần nào che lấp cá nhân người ra ứng cử (Khác với các thể thức bầu cử Tổng thống trực tiếp kiểu Mỹ: ứng cử viên Tổng thống cần chứng minh được nhân cách và bản lĩnh cá nhân của mình trước cử tri nhiều hơn)